Tiếp tục gây sốc khách hàng, CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) vừa tuyên bố
sẽ tổ chức bốc thăm mua căn hộ dự án chung cư Petrovietnam Landmark mà
họ “đại hạ giá” 35% vào sáng 8.11 tại Hà Nội.
Tiếp tục gây sốc khách hàng, CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) vừa tuyên bố sẽ tổ chức bốc thăm mua căn hộ dự án chung cư Petrovietnam Landmark mà họ “đại hạ giá” 35% vào sáng 8.11 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, với điều kiện khách hàng được mua sẽ phải thanh toán ngay 100% giá trị căn hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, thực chất đây chỉ là một chiêu vay tiền trước của khách hàng và lãi suất vay thậm chí không cao hơn lãi suất ngân hàng.
Bốc thăm nhà… đại hạ giá
Tin từ PVL cho biết, thông tin đưa ra ngày 28.10 của PVL về giá bán mới căn hộ dự án Petrovietnam Landmark giảm giá bán 35% với mức giá khởi điểm mới từ 15,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Vì vậy, theo Cty, “để đảm bảo sự công bằng cho khách hàng, PVL quyết định tổ chức bốc thăm mua căn hộ” - thông cáo báo chí ngày 1.11 của PVL gửi các cơ quan báo chí ghi rõ.
Theo đó, khách hàng đăng ký nhu cầu và đặt trước khoản tiền 500 triệu đồng đối mỗi phiếu bốc thăm trong thời gian từ ngày 2.11 đến ngày 7.11, tiền cọc sẽ không được hưởng lãi. Nội dung bốc thăm được tiến hành theo 2 bước. Ban đầu khách hàng sẽ tự đưa ra giá mua căn hộ từ mức 15,5 triệu đồng mỗi mét vuông trở lên. PVL sẽ tổng hợp trên cơ sở ưu tiên giá mua theo thứ tự từ cao xuống thấp và lựa chọn 15 phiếu có giá mua cao nhất (mỗi phiếu tương đương với đăng ký mua một căn hộ). Sau đó, khách hàng sẽ bốc thăm ngẫu nhiên số căn hộ, được căn hộ nào sẽ mua căn hộ đó với mức giá đã đăng ký. Lễ bốc thăm sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 8.11 tại trụ sở của PVL ở tầng 3 tòa nhà C.E.O, đường Phạm Hùng, Hà Nội.
Đáng chú ý, PVL ra điều kiện: Đối với khách hàng tham gia bốc thăm thành công được quyền mua căn hộ, PVL yêu cầu ký hợp đồng mua bán và thanh toán đủ 100% giá trị căn hộ trong vòng 3 ngày kể từ ngày tổ chức bốc thăm. Trong trường hợp khách hàng đã trả giá và bốc thăm căn hộ thành công, nhưng không đóng đủ 100% giá trị căn hộ thì không được nhận tiền đặt cọc và khoản tiền này sẽ thuộc PVL.
Trước khi có công bố trên, ở trên một số báo mạng xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến dự án này như: “Khó có thể mua được nhà giảm giá của PVL”, “Người mua không biết mua ở đâu”, hay “Muốn mua được nhà giảm giá của PVL phải chấp nhận chênh 10%” (tương đương với giá mới là 17 triệu đồng/m2) vì phải mua qua thứ cấp hoặc những người nhanh tay đăng ký đầu tiên trong số 85 căn đại hạ giá của DN này. Tất nhiên đi kèm với các thông tin ấy, bao giờ cũng có những thông tin chi tiết khen vị trí “đắc địa” của dự án như thuận lợi về hạ tầng; sau khi thông xe hầm Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 10 phút; gần siêu thị Metro... Hóa ra cũng chỉ là một chiêu thức PR tìm cách xả hàng của DN!
Người mua có thực sự hưởng lợi?
Với người mua nhà, bất luận DN áp dụng chiêu thức thế nào, như tặng gói nội thất; chiết khấu giá bán; chia nhỏ tiến độ thanh toán thành nhiều đợt... thì cái mà người ta quan tâm nhất chính là sẽ được lợi gì từ các chính sách bán hàng ấy?
Với chính sách hạ giá đến hơn 30% của PVL, một chuyên gia tài chính đã đưa ra cơ sở tính toán như sau: Giả sử dự án chung cư có mức giá bán bình quân căn hộ 30 triệu đồng/m2. Ngay ban đầu khách hàng chấp nhận đóng 50% toàn bộ giá trị căn hộ thì sẽ được chủ đầu tư giảm giá 10%. Như vậy, giá bán căn hộ chỉ còn 27 triệu đồng/m2.
Nếu chấp nhận đóng 80% từ ban đầu, khách hàng được giảm giá 30%, giá bán căn hộ giảm còn 21 triệu đồng/m2. Còn chấp nhận đóng 95% giá trị căn hộ từ ban đầu, khách hàng được giảm giá 40% thì giá căn hộ sẽ còn 15 triệu đồng/m2.
Như vậy, tính ngược lại nếu khách hàng muốn được giảm giá mức nhiều nhất, họ sẽ nộp gần như hết tiền. Trong khi, tổng số tiền căn hộ phải trả đó mang gửi ngân hàng cũng nhận khoản lãi không kém so với ưu đãi mà chủ đầu tư đưa ra.
Theo ông Phan Thành Mai - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS VN, bản chất câu chuyện chỉ là thỏa thuận tài chính của DN và người mua nhà. Thông thường, khi chủ đầu tư đưa ra gói sản phẩm, người ta tính tỉ lệ số tiền nộp ban đầu, nếu khách hàng nộp sẽ được ưu đãi bằng khoản tiền chiết khấu. Về phía khách hàng, nếu trả ngay toàn bộ tiền mua căn hộ, họ sẽ nhận khoản tiền lời giống như việc gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.
Cũng theo ông Mai, việc giảm giá BĐS giúp cho DN có nguồn vốn để xử lý các khó khăn trước mắt. Từ đó có thể kết thúc dứt điểm dự án, có cơ hội tái cấu trúc DN, có nguồn vốn để đầu tư vào các cơ hội tốt hơn. Về phía khách hàng thì cũng có cơ hội mua sản phẩm phù hợp, bỏ ra ngay lập tức một lượng tiền mặt lớn nhưng lại có ngay sản phẩm chắc chắn và sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn là gửi ngân hàng.
Như vậy, theo nhiều chuyên gia tài chính, cần phải thấy động thái giảm giá bán hàng của PVL hay một số DN hiện nay ngay cả khi giảm giá đến 30% thì so với lãi suất ngân hàng, người mua nhà cũng không được hưởng lợi là bao nhiêu. Cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề, xem đợt đại hạ giá này như là mở đầu làn sóng bán tháo BĐS sắp sửa xảy ra trên thị trường, mà có chăng chỉ là DN giảm đi chút lãi và thêm một chiêu thức PR, đánh bóng thương hiệu của chủ đầu tư.
(Theo Lao Động)