Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản
Việt Nam, mặc dù giá bất động sản giảm mạnh nhưng đây là chuyện bình thường,
không nên quy chụp thành hiện tượng “bán tháo” hay “vỡ” thị trường.
Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, mặc dù giá bất động sản giảm mạnh nhưng đây là chuyện bình thường, không nên quy chụp thành hiện tượng “bán tháo” hay “vỡ” thị trường.
Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết:
Năm 2006 – 2008 là giai đoạn bùng nổ và tăng trưởng tín dụng, đặc biệt tỷ trọng cho vay các dự án bất động sản rất cao. Đến cuối năm 2010, theo thống kê của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, dư nợ tín dụng cho vay bất động sản tại TP HCM chiếm 36%, Hà Nội là 16%. Sau thời gian ân hạn để xây dựng thì các doanh nghiệp phải trả gốc và lãi, chính vì thế rơi vào thời điểm hiện nay.
Đây là một áp lực với doanh nghiệp, khi phải trả lãi cho ngân hàng. Trong khi đó, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, tại TP HCM, cung cầu nhà ở đã tương đối cân nhau, trong khi đó Hà Nội, phân khúc căn hộ cao cấp đã bão hòa. Nhìn chung thanh khỏan của thị trường bất động sản là rất thấp.
- Việc hàng loạt chủ đầu tư giảm giá sản phẩm bất động sản tại TPHCM, liệu có dẫn tới hiệu ứng domino không thưa ông?
Bản chất việc giảm giá là chủ đầu tư đưa ra gói tài chính cho việc mua sản phẩm bất động sản, có kèm theo điều kiện về tỷ lệ tổng số tiền cần thanh toán là bao nhiêu. Đây là việc thực hiện theo cơ chế thị trường, đối với người mua và người bán.
Chủ đầu tư khi xác định giá vốn so sánh với giá kỳ vọng để bán trước đây với thị trường. Từ đó tính toán các gói tài chính khác nhau cho sản phẩm bất động sản, nếu thu trước sẽ tính giảm phần chiết khấu theo tỷ lệ nhất định, có thể là tương đương hoặc thấp hơn, hoặc lãi suất cao hơn tiền gửi tại ngân hàng.
Tỷ lệ này phụ thuộc vào tính cạnh tranh của sản phẩm, khả năng, sự chịu đựng về tài chính của doanh nghiệp, mong muốn cũng như ý chí quyết định để thu lại nguồn tiền mặt sớm nhất, nhằm hướng đến tính khả thi, gặp được cầu khách hàng.
Mặc dù việc giảm giá mạnh sản phẩm bất động sản có những mặt trái nhưng có mặt tích cực, theo tôi giảm giá là chuyện bình thường, không nên quy chụp thành hiện tượng “bán tháo” hay “vỡ” thị trường.
- Vậy mặt tích cực ở đây là gì thưa ông?
Việc giảm giá giúp cho doanh nghiệp có nguồn vốn để xử lý các khó khăn trước mắt. Từ đó có thể kết thúc dứt điểm dự án, có cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, cắt giảm nhân sự nếu có. Đồng thời, doanh nghiệp có nguồn vốn để đầu tư vào các cơ hội tốt hơn.
Còn khách hàng có cơ hội mua sản phẩm phù hợp, bỏ tiền mặt lớn nhưng có được sản phẩm chắc chắn và sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn.
- Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp lúc này?
Các doanh nghiệp cần phải tăng cường công tác đào tạo, đặc biệt là phân tích tài chính đầu tư dự án, xây dựng chiến lược đầu tư, tránh đầu tư dàn trải nhiều dự án một lúc, dẫn tới thiếu hụt tiền mặt tại thời điểm nhạy cảm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản trị rủi ro doanh nghiệp, hoàn thiện công tác quản trị rủi ro với các kịch bản xấu nhất để tính toán dòng tiền mặt cho dự án, cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khi đưa ra các gói tài chính bán hàng cần cùng nhau đưa ra chính sách chung để chủ động định hướng thị trường hơn là riêng rẽ bán hàng, khuyến mại độc lập,… và nhiều khi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng chung cả thị trường.
Tốt hơn nữa là thông qua các hiệp hội nghề nghiệp để cùng thống nhất đưa ra các chính sách bán hàng và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
(Theo TBKTVN)