Các chuyên gia dự báo rằng, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung nội đô trong năm 2020. Hiện tại, nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn.
Theo Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, ông Phạm Lâm, so với năm ngoái, nguồn cung bất động sản năm 2019 trên phạm vi cả nước sụt giảm mạnh do rà soát thủ tục về đất đai.
Với những tín hiệu lạc quan về thủ tục, nguồn cung nhà đất tại TP.HCM hiện có dấu hiệu tăng trở lại. Minh chứng là, mới đây TP đã công bố danh sách dự án được chấp thuận chủ trương, đưa ra thị trường. Động thái này được xem là nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
|
Một số chuyên gia cho hay, phân khúc đất nền vùng ven sẽ lên ngôi trong năm 2020. |
Vậy nhưng, rất khó để dự báo về thời điểm cụ thể thị trường sẽ hồi phục nguồn cung. Tuy nhiên, thị trường vùng ven Sài Gòn đang được bổ trợ nguồn cung từ Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Phạm Lâm cho rằng, quy hoạch là yếu tố vô cùng quan trọng. Mọi yếu tố phát triển đều xoay xung quanh hạ tầng. Đặc biệt, hạ tầng sẽ góp phần lớn vào việc giải quyết vấn đề nhà ở tại TP.HCM. Giá bất động sản khó giảm bởi chi phí quản lý và lãi vay đều cao.
Trong khi đó, theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Đặng Huy Đông: "Thị trường bất động sản, đặc biệt thị trường bất động sản TP.HCM, tiềm năng vẫn còn rất lớn. Thành phố đến 8-9 triệu dân, bình quân hơn 2 triệu gia đình mà mỗi năm thị trường cung cấp được 40 nghìn căn thì quá thấp, điều đó có nghĩa là cầu còn rất lớn trong xã hội".
|
Ông Phạm Lâm nhận định, quy hoạch là yếu tố vô cùng quan trọng đối với thị trường địa ốc. |
Ông Đông cho hay, dưới góc độ kinh tế vĩ mô, ngoài chính sách của trung ương thì giới quản lý địa phương phải coi bất động sản là mảng kinh tế quan trọng đối với địa phương. Lĩnh vực này vừa cung cấp nơi cư trú, vừa giúp phát triển kinh tế.
Chính quyền địa phương nếu nhìn nhận đây là động lực để phát triển kinh tế thì cần có quy hoạch bài bản, rõ ràng, tránh để tình trạng chủ đầu tư "đi chạy" từng mảnh đất sẽ không thỏa mãn nhu cầu. Khi tính toán kinh tế vĩ mô, địa phương cần xác định nguồn cầu như thế nào, quỹ đất ra sao...
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định: "Đừng để trình trạng chạy quy hoạch mà thành phố phải lập quy hoạch, đâu là khu dân cư, đâu là các chức năng khác của đô thị để nhà đầu tư cạnh tranh nhau trên mảnh đất đó. Như ở Singapore nguồn thu của chính quyền là bất động sản, 1 mảnh đất để thừa ra thì họ sẽ đưa ra đấu giá, đầy đủ quy mô, chiều cao, công năng, chức năng, nhà đầu tư đặt cọc bỏ giá và xây ngay, tất nhiên theo yêu cầu về thời gian. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng hụt cung".
|
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận là nơi tập trung dự án trong quý 3/2019. |
Đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thị trường địa ốc hiện đang rơi vào giai đoạn trầm lắng về nguồn cung, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. So với cùng kỳ năm 2018, lượng giao dịch sụt giảm đáng kể.
TS. Võ Trí Thành đồng tình với 2 quan điểm là trong năm 2020, nguồn cung nội đô Hà Nội và TP.HCM tiếp tục khan hiếm; thị trường khó có thể đột biến về nguồn cung, giao dịch nhưng tùy từng phân khúc.
"Nhìn về dài hạn xu thế, thì nguồn cung nội đô giảm và vấn đề là chúng ta có để tốc độ giảm mạnh như năm 2019 hay không? Điều này còn phụ thuộc vào Nhà nước", ông Thành nói.
Cũng theo vị này" "Hiện nay có không ít dự án đang "đứng hình", TP.HCM trên dưới 100 dự án, Hà Nội ít hơn. Nếu chúng ta xử lý được để dự án đó phát triển được, có thể vẫn chủ đầu tư đó hoặc chủ đầu tư khác. Trong quy hoạch có câu chuyện liên quan đến nguồn cung, sắp tới vùng ven có thể sẽ trở thành một quận, chẳng hạn như Đông Anh (Hà Nội). Điều này phụ thuộc vào bài toán quy hoạch, kết nối và công nhận. Từ đó khái niệm vùng ven hay nội đô sẽ thay đổi".
Xem thêm: