“Người mua nhà tại Việt Nam đang bị lợi dụng vì có những trường hợp tiền mất tật mang do năng lực yếu của chủ đầu tư. Khi những ông chủ này vỡ nợ, không triển khai, sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.
Đây là nhận định của chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu tại hội thảo “Xu hướng chọn mua bất động sản năm 2017” diễn ra ngày 19.4 tại TP.HCM.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, người mua nhà tại Việt Nam chưa quan tâm đến vấn đề ngân hàng bảo lãnh cho chủ đầu tư, trong bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai, mà chỉ quan tâm về tên tuổi chủ đầu tư. Do bản thân người mua không quan tâm, không đòi hỏi quyền lợi, nên nhà đầu tư cũng không nhắc đến, bỏ qua vấn đề bảo lãnh.
Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại hội thảo
Ông Hiếu nói rằng, hiện tại ông không có thống kê cụ thể nào về việc các ngân hàng đã thực hiện việc bảo lãnh như thế nào, thế nhưng ở ngân hàng ông đang làm việc thì đã phát hành rất nhiều chứng thư bảo lãnh cho các chủ đầu tư có quan hệ với ngân hàng. Vấn đề phát hành bảo lãnh cũng có nhiều rủi ro thế nên các ngân hàng tỏ ra rất thận trọng trong vấn đề phát hành này.
Trước thực trạng trên, câu hỏi ông Hiếu đặt ra là người mua nhà bỏ qua vấn đề này thì có hợp lý? Liệu việc bảo lãnh có phải là giải pháp trường tồn cho thị trường bất động sản không?
Theo ông Hiếu, tại Mỹ không có việc bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai. Chủ đầu tư tại nước này không được phép ra ngoài kêu gọi người dân đóng góp vào. Nếu người dân muốn mua nhà từ khi chưa hình thành thì chủ đầu tư phải đưa số tiền đó vào một “kho” riêng. Đến khi dự án xây xong, chủ đầu tư mới được lấy tiền đó mang trả ngân hàng.
“Người mua nhà tại Việt Nam đang bị lợi dụng vì có những trường hợp tiền mất tật mang do năng lực yếu của chủ đầu tư. Khi những ông chủ này vỡ nợ, không triển khai sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Điều thiếu sót trong bảo lãnh bất động sản tại Việt Nam là ngân hàng chỉ bảo lãnh cho người mua nhà trong việc bắt buộc chủ đầu tư phải giao đúng tiến độ nhưng lại không bảo lãnh chất lượng sản phẩm”, ông Hiếu nói.
Không những vậy, việc bảo lãnh bất động sản chỉ kéo dài và có hiệu lực 30 ngày sau khi nhà được bàn giao. Trong thời gian 30 ngày đó, người người tiêu dùng phải kiểm tra những vấn đề còn tồn tại ngay sau khi giao nhà. Trong khi đó, chi phí bảo lãnh là do chủ đầu tư thanh toán và chỉ xoay quanh ở mốc 1%, tùy vào quy hệ giữa ngân hàng và chủ đầu tư.
Khi mua nhà, ông Hiếu cho rằng người mua cần quan tâm các vấn đề liên quan đến những dự án đã có bảo lãnh. Khách hàng phải xem lại việc mua những căn nhà hình thành trong tương lai nếu như chủ đầu tư không cung cấp giấy tờ bảo lãnh dự án. Đặc biệt, chủ đầu tư cũng cần phải thông báo đến khác hàng về việc ngân hàng đang bảo lãnh dự án.
“Tại Mỹ, có nhiều thông tin liên quan đến năng lực chủ đầu tư nhưng Việt Nam lại không có nhiều thông tin này dẫn đến khó khăn cho khách hàng trong việc tìm kiếm thông tin. Vì vậy, khách hàng có thể tìm hiểu năng lực chủ đầu tư và việc bảo lãnh bất động sản của các ngân hàng bảo lãnh thông qua Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu khẳng định.
Cũng theo ông Hiếu, những khách hàng có tài khoản trong một ngân hàng nào đó có thể tận dụng vai trò khách hàng để tìm hiểu bảo lãnh của từng ngân hàng đó hoặc những ngân hàng khác.
“Việc bảo lãnh là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì chỉ có như vậy những tình trạng ôm nợ, tiền mất tật mang sẽ không còn xảy ra nữa”, ông nói thêm.