Hình thức mua nhà chung cư có thời hạn rất được ưa chuộng tại các nước từ Âu sang Á bởi chi phí thấp mà vẫn có lãi khi sang tay.
Hình thức mua nhà chung cư có thời hạn rất được ưa chuộng tại các nước từ Âu sang Á bởi chi phí thấp mà vẫn có lãi khi sang tay.
Với mục đích quan trọng nhất là bảo đảm quỹ đất, không ít quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình thức bán nhà có thời hạn, đặc biệt là nhà chung cư.
Tại Trung Quốc, ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến..., mọi căn hộ chung cư đều được bán dưới hình thức có thời hạn. Luật sở hữu nhà đất của Trung Quốc quy định, thời gian sử dụng kéo dài từ 50 đến 70 năm, tùy thuộc “tuổi thọ” của căn nhà và địa thế của tòa chung cư. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, Chính phủ nước này đang có kế hoạch kéo dài thời hạn sử dụng tối đa lên 80 năm.
Đối với Thái Lan, Bộ Đất đai của nước này đưa ra hai hình thức sở hữu cho người dân lựa chọn: sở hữu vĩnh viễn hoặc có thời hạn trong cùng một tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, thời hạn sử dụng cho hình thức mua thứ 2 chỉ tối đa là 30 năm. Tuy nhiên, khi hết hạn sử dụng, người dân có thể xin gia hạn.
Giá cả mua căn hộ chung cư trong cùng một tòa nhà đương nhiên sẽ khác nhau. Vào cùng một thời điểm ký kết, giá căn hộ mua có thời hạn chỉ bằng khoảng 30 - 70% giá nhà mua vĩnh viễn.
“Mạnh dạn” hơn bất cứ quốc gia châu Á nào, Chính phủ Singapore cho phép bán nhà chung cư có thời hạn tối đa tới 99 năm. Tiền mua nhà có thể trả theo kỳ, giống như thuê nhà. Tuy nhiên, luật pháp Singapore quy định rõ, người mua nhà có thời hạn hoàn toàn có quyền dùng nó làm tài sản thế chấp.
Phang Lah Hwa, giám đốc ngân hàng OCBC của Singapore cho hay, miễn sao căn nhà còn thời hạn sử dụng khoảng 30 - 40 năm, chủ sở hữu có thể dùng nó để thế chấp vay tiền ngân hàng.
Trong khi các nước châu Á chỉ bán có thời hạn với nhà chung cư thì các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, bán có thời hạn với mọi loại hình nhà ở như chung cư, trang trại hay biệt thự...
Theo thống kê mới nhất, có tới 85% bất động sản Mỹ được bán dưới hình thức có thời hạn. Thời gian sử dụng tối đa có thể là 99 năm.
Dù tỷ lệ người sử dụng nhà có thời hạn không nhiều bằng Mỹ nhưng tại Anh, người mua có thời hạn sử dụng nhà lên tới 999 năm. Tuy nhiên, luật pháp Anh nêu rõ, người mua nhà có thời hạn chỉ được sở hữu căn nhà, trong khi người mua nhà vĩnh viễn có toàn quyền quyết định đối với mảnh đất nơi căn nhà tọa lạc.
Ngoài ra, khi hết hạn sử dụng, nếu có nhu cầu, người mua có thể xin gia hạn. Tuy nhiên, bên cạnh mức giá phải trả thêm do giá cả thị trường leo thang, người mua sẽ phải trả thêm một khoản phí tôn tạo nhà. Vì vậy, người dân Anh chấp nhận mua nhà mới và chuyển chỗ ở, thay vì phải trả thêm tiền.
Hấp dẫn hơn nhà sở hữu vĩnh viễn
Sở dĩ người dân tại nhiều quốc gia ưa chuộng hình thức mua nhà có thời hạn là bởi chi phí thấp hơn nhà sở hữu vĩnh viễn mà vẫn có thể đem lại “lời lãi”.
Theo ông Eric Cheng, Tổng giám đốc tập đoàn bất động sản ECG, mua nhà có thời hạn phần nào có thể hiểu là thuê nhà dài hạn nên giá cả đương nhiên thấp hơn hình thức mua nhà vĩnh viễn. Tại Hawaii, Mỹ, giá nhà chung cư có thời hạn thấp hơn 30% so với nhà mua trọn đời. Trong khi đó, người dân Indonesia có thể tiết kiệm tới 50% khi mua nhà có điều kiện về thời gian sử dụng.
Không chỉ vậy, người mua nhà có thời hạn còn không phải trả khoản thuế đất hoặc trả với mức thấp hơn nhiều nhà sở hữu trọn đời.
Bên cạnh đó, William Wong, Giám đốc điều hành Công ty bất động sản Realstar của Singapore khẳng định, nhà chung cư có thời hạn không chỉ thu hút người có nhu cầu sử dụng thực sự mà còn hấp dẫn đối với giới đầu tư.
“Trước kia người dân cũng như giới đầu tư Singapore thường ưa chuộng nhà sở hữu vĩnh viễn bởi giá trị sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, những năm gần đây, quan điểm đó trở thành lạc hậu bởi hầu hết tòa nhà chung cư tọa lạc tại các khu đô thị lớn của Singapore đều chỉ được phép mua có thời hạn”, ông Wong cho hay.
Ông Wong giải thích, để bảo tồn quỹ đất ở những khu đô thị lớn, Chính phủ Singapore có xu hướng xây dựng chung cư có thời hạn tại những nơi có địa thế quan trọng. Trong khi đó, khi quyết định mua một căn hộ, nhà đầu tư hiện nay quan tâm đến địa thế hơn là giá trị sử dụng. Vì vậy, theo kinh nghiệm của giới “ôm đất” Singapore, dù bị hạn chế bởi thời gian sử dụng song giá nhà chung cư có thời hạn vẫn rất “được giá”.
Cụ thể, tại khu chung cư The Sail nằm sát tổ hợp giải trí sòng bạc sang trọng bậc nhất thế giới Marina Bay Sands của Singapore, giá một m2 tại thời điểm năm 2005 trung bình là 10.080 USD. Tuy nhiên, con số này vọt lên 28.000 USD một m2 vào năm 2009.
Theo ông Eric, giám đốc của The Sail, có tới 40% căn hộ tại khu chung cư này được mua không đơn thuần để ở. Điều đó có nghĩa là tòa nhà này được giới đầu cơ khá ưa chuộng bởi tốc độ leo thang giá cả rất hấp dẫn của nó.
Lý giải cho hiện tượng giá cả tăng vọt trong khi thời hạn sử dụng giảm dần này, Tay Huey Ying, giám đốc nghiên cứu thị trường của Collier International cho rằng: “Qua các nghiên cứu hơn 10 năm nay, tôi có thể kết luận rằng, giá nhà chung cư có thời hạn nhạy cảm với sự lên xuống của nền kinh tế hơn nhà sở hữu vĩnh viễn”.
Theo ông Ying, khi thị trường bất động sản sôi động, nhà đất mua bán nhanh chóng, nhà đầu tư sẽ ưa chuộng nhà có thời hạn hơn bởi có địa thế đẹp hơn mà thời hạn sử dụng cũng “không thành vấn đề” vì giao dịch nhanh. Ngược lại, khi thị trường ảm đạm, giao dịch khó khăn, thời hạn sử dụng còn lại của nhà chung cư sẽ khiến nhà đầu tư “chùn bước”. Vì vậy, nhà sở hữu lâu dài sẽ có giá hơn.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Nicholas Mak của tờ AsiaOne khẳng định, kết quả khảo sát thị trường bất động sản tại Đông Nam Á trong 18 tháng sôi động vừa qua cho thấy, giá nhà mua trọn đời tăng 38,2% trong khi giá nhà chung cư có thời hạn sử dụng vọt lên tới 46,2%.
Với những nhân tố đầy sức cuốn hút trên, giới chủ đầu tư các nước thường không phải “canh cánh” nỗi lo nhà chung cư có thời hạn “ế ẩm”. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây đau đầu giới chức của không ít quốc gia bởi có thể đảm bảo quỹ đất song những cơn sốt do nó tạo ra vẫn có thể đẩy giá nhà lên mức khó kiểm soát.
(Theo Đất Việt)