Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, khác với các chuyên gia trong nước cho rằng phân khúc căn hộ giá rẻ sẽ “lên ngôi”
Trong khi thị trường BĐS vẫn ảm đạm, với hàng loạt DN dừng hoạt động và đóng cửa thì một số DN nước ngoài dù đối mặt với khó khăn vẫn lạc quan vào triển vọng dài hạn của thị trường.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chưa bao giờ các DN, nhất là DN bất động sản lại dừng hoạt động và đóng cửa nhiều như thời gian trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua. “Hiện sức ép của các ngân hàng và “đại gia” bất động sản lên việc xây dựng chính sách là vô cùng lớn”, ông Thành nói.
Chỉ ra khó khăn chính của nền kinh tế hiện nay là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng giảm mạnh và nợ xấu đang bao phủ bóng đen lên hệ thống ngân hàng, ông Thành cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới là giải quyết những bất cập này. Chính vì vậy, theo ông Thành, “lãi suất ngân hàng có thể sẽ hạ vào cuối quý II năm nay”. Ông Thành bày tỏ tin tưởng, nếu lạm phát trong năm nay được giữ ở mức 8 - 9%, Chính phủ sẽ áp dụng những biện pháp kỹ thuật để giảm tỷ lệ nợ xấu của bất động sản trong hệ thống ngân hàng và khi đó “niềm tin của NĐT quay trở lại giúp thị trường bất động sản hồi sinh”.
Là DN nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam từ rất sớm, theo ông Yip Hoong Mun, Phó tổng giám đốc Công ty Capital Land, Singapore, Công ty đã trải qua rất nhiều những bước thăng trầm. Năm 2006, Capital Land mới tham gia thị trường Việt Nam thì trong năm 2007, Công ty đã phải đối đầu với khó khăn do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng sang năm 2008 và 2009, Capital Land lại gặt hái được thành công lớn tại thị trường Việt Nam.
Ông Yip Hoong Mun cũng cho rằng, cơ hội có được lợi nhuận về dài hạn là rất lớn và thị phần dành cho các DN vẫn còn rất nhiều khi mà tổng giá trị đầu tư cho bất động sản của Việt Nam mới chỉ chiếm 17% GDP, trong khi ở các nước khác lên tới hơn 40% GDP. Các DN Việt Nam cần sớm tìm giải pháp tiếp cận nguồn vốn, đồng thời, kiến nghị Chính phủ cắt giảm lãi suất vào thời điểm phù hợp.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Công ty Gamuda Land đến từ Maylaysia cho biết, Công ty của ông mới tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam 5 năm nay, nhưng đã cảm nhận được rất nhiều thách thức và cạnh tranh.
Lạc quan vào triển vọng dài hạn, ông Cheong Ho Kuan cho biết, Gamuda Land hiện đang đầu tư vào Gamuda City, một dự án khu đô thị có tổng diện tích 480 héc -ta ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). “Trong hơn 4 năm triển khai dự án, Công ty đã giải ngân hơn 200 triệu USD vào các hạng mục hạ tầng, bao gồm nạo vét hồ Yên Sở, cải tạo công viên Yên Sở, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở”, ông Cheong Ho Kuan nói, “Cam kết đầu tư và phát triển lâu dài ở Việt Nam, lúc thăng hay lúc trầm, chúng tôi đều giữ vững tinh thần và hướng tới tầm nhìn phía trước. Hà Nội có dân số trẻ, kinh tế năng động nên có tốc độ phát triển mạnh, thu nhập sẽ tăng nhanh, trong khi đó ở khu vực trung tâm Thành phố đang có mật độ dân số quá lớn nên xu hướng chuyển dịch nhà ở từ trung tâm ra ngoài khu vực đô thị vệ tinh ngày càng lớn và đây là cơ hội cho chúng tôi”.
Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, khác với các chuyên gia trong nước cho rằng phân khúc căn hộ giá rẻ sẽ “lên ngôi”, ông Cheong Ho Kuan lại cho rằng, chính phân khúc đất nền mới là mảng có khả năng hồi phục sớm nhất.
Bình luận về quan điểm của các NĐT nước ngoài khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Thành cho rằng, sự hấp dẫn của thị trường không chỉ nằm ở nhân công giá rẻ hay lợi thế đất đai, mà yếu tố quyết định thành công cho các NĐT bất động sản trong và ngoài nước chính là quyết tâm thực hiện quá trình cải cách của Chính phủ.
(Theo ĐTCK)