Thị trường ảm đạm thời gian dài đã khiến hàng loạt trung tâm môi giới nhà đất, sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Hà Nội lâm vào tình trạng khó khăn.
Thị trường ảm đạm thời gian dài đã khiến hàng loạt trung tâm môi giới nhà đất, sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Hà Nội lâm vào tình trạng khó khăn.
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trung tâm, sàn giao dịch BĐS không cầm cự được buộc phải hạ biển, đóng cửa, các nhân viên môi giới thì chuyển nghề.
Đóng cửa hàng loạt
Từng là trưởng nhóm kinh doanh, với mức thu nhập vào dạng “khủng” của Cty CP BĐS Thế Kỷ - một trong các sàn BĐS lớn có uy tín của Hà Nội, nhưng ngay sau khi nghỉ Tết, chị Ngọc Linh buộc phải bỏ nghề môi giới BĐS để tìm công việc khác. “Gắn bó với Cty mấy năm qua, có nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm trong BĐS nay phải chuyển sang nghề khác là điều không mong muốn. Nhưng vì thị trường ảm đảm, việc kinh doanh ngày càng khó khăn, tôi chuyển sang làm nhân viên của một ngân hàng thương mại với công việc hoàn toàn mới” - Chị Linh tâm sự.
Trường hợp bỏ nghề, tìm công việc khác như chị Linh đối với các nhân viên môi giới BĐS hiện rất phổ biến khi mà hàng loạt trung tâm nhà đất, sàn giao dịch BĐS buộc phải đóng cửa.
Dạo qua các khu phố nổi tiếng về sự sầm uất của các trung tâm nhà đất như: Nguyễn Thị Định (Cầu Giấy); Lê Văn Lương kéo dài; đường Xa La-Văn Phú, Lê Trọng Tấn (Hà Đông); Hay xa hơn như Quốc lộ 32; Đại lộ Thăng Long (Hoài Đức)… không khí vắng lặng vì ít có giao dịch, đa phần đóng cửa.
Dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài có hơn 40 văn phòng nhà đất thì có đến hơn 2/3 đóng cửa, không hoạt đô%3ḅng. “Trước đây dọc tuyến đường này được mệnh danh là thiên đường của môi giới BĐS, các văn phòng môi giới san sát thì giờ chỉ vài văn phòng thực sự vẫn hoạt động. Số còn lại đóng cửa, hoặc là đợi ngày dỡ biển vì kinh doanh không đủ tiền thuê nhà và trả lương cho nhân viên hàng tháng” - Anh Huy, phụ trách sàn BĐS Tấc Vàng ở đường Lê Văn Lương kéo dài cho biết.
Còn tại khu đô thị Xa La và dọc tuyến đường Xa la-Văn Phú vào thời kỳ “sốt” của thị trường nhà đất hầu hết các kiốt mặt ngoài của các khu nhà cao tầng khu Xa La hay các nhà liền kề, biệt thự mặt đường đều treo biển trung tâm môi giới nhà đất thì nay đã rơi rụng đến 1/3. Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại khu đô thị Xa la cho biết: “Vào thời điểm năm 2010, sàn hơn 10 nhân viên thì đến nay chỉ còn 3 người. Thị trường xấu, ít giao dịch nên buộc phải cắt giảm nhân viên tối đa. Hiện chúng tôi cũng chỉ trả được lương cơ bản cho nhân viên, còn chủ yếu thu nhập là từ tiền hoa hồng khi bán được sản phẩm cho khách”.
Nằm chờ hay phá sản?
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Cty CP đầu tư và phân phối DTJ có trụ sở tại đường Hoàng Quốc Việt cho biết, trong tình cảnh thị trường ảm đạm kéo dài, các trung tâm, văn phòng môi giới nhà đất muốn cầm cự phải xoay xở đủ cách. “Ngoài việc cắt giảm nhân viên, các chi phí một cách tối đa, chúng tôi buộc phải đẩy mạnh hoạt động sang lĩnh vực khác để có thu nhập cho nhân viên. Hiện Cty ngoài việc đẩy mạnh việc môi giới cho thuê, làm phân phối cho các phân khúc nhà có nhu cầu thực thì còn hoạt động kinh doanh mua bán, thiết kế nội thất cho các dự án”-Ông Khánh cho biết.
Để cải thiện tình trạng ảm đạm của thị trường, nhiều trung tâm, văn phòng môi giới đã thực hiện kích cầu bằng cách giảm hoặc miễn phần trăm hoa hồng cho khách mua, chỉ tính phí cho bên bán. Bên cạnh đó, nhiều văn phòng chuyển sang kết hợp môi giới cho thuê kho bãi, nhà ở để lấy ngắn nuôi dài.
Bà Đỗ Thu Huyền, Giám đốc điều hành sàn info -một đơn vị nổi tiếng về môi giới nhà đất trụ sở tại Trung Hòa- Nhân Chính, cho biết: “Vào thời điểm thị trường sôi động, chúng tôi có gần 200 nhân viên với 4 trung tâm giao dịch hoành tráng, nhưng ở giai đoạn thị trường khó khăn, muốn duy trì được phải tìm cách hoạt động mới. Đó là tìm kiếm những nhân viên có khả năng quản lý và quán xuyến công việc tốt. Chúng tôi tập trung những phân khúc mà khách hàng quan tâm, hỗ trợ sát sao. Ngoài ra, Info Việt Nam là tập trung đầu tư vào lĩnh vực truyền thông một cách bài bản và chuyên nghiệp. Hiện nay, chúng tôi có gần 30 website giao dịch, quảng bá BĐS trực tuyến độc quyền, góp phần phục vụ tốt cho nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư và mang lại doanh thu đáng kể cho Cty”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, các sàn giao dịch BĐS, trung tâm môi giới nhà đất tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp, đội ngũ các nhà môi giới, tư vấn, định giá BĐS còn thiếu chuyên nghiệp. Vì thế, thời điểm này cũng là dịp để sàng lọc, loại bỏ bớt nhưng sàn, trung tâm làm ăn theo kiểu “ăn xổi”, mọc lên theo kiểu thời cuộc thiếu tính chuyên nghiệp.
(Theo TPO)