Khách sạn mini nhanh chóng tạo được sức hút trên thị trường BĐS. Đây được xem là một bước đi táo bạo, đánh vào nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư với hiệu suất sinh lời cao.
Khách sạn - Phân khúc “nóng”
Theo Savills Việt Nam, thị trường khách sạn Việt Nam đang tăng trưởng đáng kinh ngạc, là điểm đến hấp dẫn ở Đông Nam Á, có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất trong khu vực.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, Quý 1/2016, số lượng khách du lịch đến Việt Nam đạt khoảng 2,5 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số lượng khách du lịch trong nước tăng 48% vào năm 2015 và mức tăng trung bình đạt khoảng 14% mỗi năm trong vòng 10 năm trở lại đây.
Du lịch tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu về khách sạn, khu nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng. Điều này là động lực để các nhà đầu tư chú ý đến BĐS lưu trú, đặc biệt là xu hướng đầu tư vào căn hộ khách sạn (Condotel), khách sạn mini (Mini Hotel).
Đáng chú ý là Đà Nẵng, theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chiếm tới 75% - 85% trong số các giao dịch thành công. Được biết, trước đây khá nhiều người Bắc mua đất ở Đà Nẵng để xây dựng khách sạn mini cho thuê.
Nhà đầu tư ồ ạt rót tiền vào đầu tư khách sạn mini
Một nhà đầu tư chia sẻ, vợ chồng chị đã từ bỏ công việc quản lý ở một khách sạn 5 sao với mức lương tốt để theo đuổi mô hình kinh doanh này. Sau nhiều năm ấp ủ thì gia đình chị đã có 2 khách sạn mini ở khu gần biển, mỗi khách sạn khoảng hơn 10 phòng, quản lý theo mô hình homestay, giá phòng dao động từ 400-600 nghìn đồng một đêm. Mùa cao điểm luôn “cháy phòng”.
Theo ông Marc Townsend, tổng giám đốc CBRE Việt Nam, khẩu vị của những đại gia đến từ Miền Bắc đang dần thay đổi khi phần lớn khách mua yêu cầu tham gia chương trình cam kết cho thuê. Vì thế, khách sạn mini đang được chủ đầu tư biến thành một sản phẩm đầu tư mới trên thị trường Đà Nẵng.
Mini Hotel: “Thỏi nam châm” mới trên thị trường địa ốc
Ngoài những khách sạn mini được các nhà đầu tư tự mua đất, xây dựng và kinh doanh thì gần đây thị trường đã xuất hiện sản phẩm đầu tư này gắn với chương trình cam kết cho thuê. Nói như ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire, ông đã thấy tiềm năng của loại hình này, đặc biệt là ở các thành phố trọng điểm du lịch như Đà Nẵng.
Tại một sự kiện gần đây, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tên Minh, phân tích khá kỹ về dòng tiền của sản phẩm đầu tư này:
Theo anh Minh, bỏ ra khoảng 13 tỷ đồng để mua một khách sạn 7 tầng (trong đó 2 tầng là trung tâm thương mại, 5 tầng khách sạn tiêu chuẩn tương đương 3 sao cho thuê).
Nếu tham gia chương trình cho thuê, ước tính giá cho thuê tối thiểu 500.000 đồng mỗi m2/tháng sàn thương mại và 500.000 đồng/đêm/phòng khách sạn, ước tính tỷ lệ lấp đầy khiêm tốn thì năm đầu tiên doanh thu ước đạt khoảng 3 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về sau khi chia sẻ theo tỷ lệ 80/20, thì nhà đầu tư có thể “bỏ túi” hơn 13% giá trị căn hộ.
Theo anh Minh nhận định những năm tiếp theo có thể tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn khi giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tăng.
Một nhà đầu tư tên Trần Mạnh Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng nhu cầu du lịch ngày càng cao và đa dạng, nên thấy rõ tương lai ở phân khúc đầu tư loại hình khách sạn này, khả năng sẽ sinh lợi cao bởi tiềm năng tăng trưởng ngành du lịch ở Việt Nam là rất lớn.