Hiện nay, nhà ở sinh viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Với giá rẻ, chất lượng ổn định, môi trường lành mạnh, an ninh trật tự đảm bảo nên hầu hết các sinh viên tại các tỉnh, thành phố mong muốn được cư trú ở đây.
Trước nhu cầu này, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng quy hoạch, xin nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ để xây dựng nhà ở sinh viên. Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng đủ nhà ở sinh viên để đáp ứng nhu cầu bức thiết đó.
Nhà ở sinh viên: Hiệu quả bất ngờ
Với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 97 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Khu nhà ở sinh viên thuộc khu dân cư số 2, TP.Bắc Giang do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Hiện nay, dự án này đã cung cấp chỗ ở cho khoảng 1.400 sinh viên. Cụ thể, công trình này gồm tầng hầm để xe và khu nhà 5 tầng. Ở đây, có phòng 6 giường và 4 giường, đơn giá thuê nhà là 80 nghìn đồng/người/tháng áp dụng cho mọi đối tượng. Phí bảo vệ, thu gom rác thải, vệ sinh môi trường đã được tính vào đơn giá này.
Sinh viên Trường Trung cấp Y Bắc Giang Đặng Thu Thủy chia sẻ về cuộc sống tại nhà ở sinh viên, bên cạnh những quy định cung của trường, các phòng còn đưa ra những quy định riêng về đổ rác, dọn vệ sinh, dọn dẹp phòng... để mọi người cùng làm. Khi sống ở ký túc xá là các bạn có thể dễ dàng thảo luận ngoài giờ, học nhóm hoặc bổ sung kiến thức đã được học ở trường bằng cách tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, ưu tiên các sinh viên là gia đình chính sách được ở trước. Bạn Thủy là sinh viên bình thường phải chờ đến 6 tháng mới được vào ở ký túc xá.
Về công tác quản lý sinh viên, Phó trưởng Ban quản lý nhà ở sinh viên Bắc Giang Nguyễn Mạnh Hưng cho biết, hiện nay, chúng tôi đã xây dựng quy định về giờ học buổi tối cho sinh viên, nghiêm, cấm các sinh viên gây ồn ào, mất trật tự. Sinh viên phải xuất trình thẻ nội trú khi ra vào cổng.... Trong khu nhà sinh viên, chúng tôi bố trí hộp thư góp ý, tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng những đề xuất, kiến nghị của sinh viên với mong muốn ccung cấp dịch vụ tốt nhất. Ban quản lý cũng đã cấp camera tại khu vực tường bao quanh và cổng nhằm phát hiện sớm để ngăn chặn đối tượng bên ngoài vào quấy rói trong ký túc xá.
Nhu cầu nhà ở cho sinh viên hiện nay rất lớn
Các dự án nhà ở sinh viên được phát triển hiệu quả
Hiện nay, không chỉ Bắc Giang đã thành công trong mô hình xây dựng nhà ở sinh viên mà các dự án nhà ở sinh viên tại Nghệ An (TP.Vinh), Phú Thọ, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tp.HCM, Hà Nội, Hưng Yên... cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hàng nghìn sinh viên.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nam Định Nguyễn Tất Sơn, từ tháng 7/2014, dự án cụm nhà ở sinh viên tập trung tại TP.Nam Định đã đi vào hoạt động. Cụ thể, dự án gồm 1 nhà khối nhà 12 tầng và 3 khối nhà 5 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 30.261m2, đáp ứng chỗ ở cho 3.624 sinh viên với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 297,489 tỷ đồng.
TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức được đưa vào sử dụng ký túc xá sinh viên tập trung quy mô 33 khối nhà cao từ 3-9 tầng, cung cấp chỗ ở cho 20 nghìn sinh viên từ tháng 9/2014.
Toàn cảnh Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hà Nội
Hiện TP.Hải Phòng cũng sắp đưa vào hoạt động khu nhà ở sinh viên với sức chứa gần 2.600 sinh viên.
Phóng viên không khỏi choáng ngợp khi ghé qua trang web nosvdongthap.vn của khu nhà ở sinh viên TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) bởi sự chuyên nghiệp trong cách làm việc của Ban quản lý tòa nhà. Các bạn sinh viên có thể cập nhật danh sách sinh viên đã đăng ký, danh sách sinh viên đã được xét duyệt hay đăng ký lưu trú online (trực tuyến) từ trang web này. Đặc biệt, sinh viên có thể biết được phòng nào đã kín, phòng nào còn trống giường, giá thuê công khai trên trang điện tử (70 nghìn đồng/sinh viên/tháng). Đây có thể nói là một cách làm hiện đại, hay của khu nhà ở sinh viên TP.Cao Lãnh.
Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở sinh viên
Hiện vẫn còn không ít địa phương khác triển khai chậm nhà ở cho sinh viên bên cạnh những địa phương làm tốt công tác đầu tư xây dựng. Đó là TP.Hà Nội, kế hoạch đề ra, Hà Nội phải triển khai 10 dự án nhà ở sinh viên, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 39 nghìn sinh viên. Tuy nhiên, đến nay mới có 4 dự án hoàn thành. Đặc biệt, có dự án xây dựng ký túc xá sinh viên tập trung đã gần hoàn thành mà còn thiếu vốn đầu tư.
“Dự án hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ vì thiếu vài chục tỷ mà không đưa vào hoạt động, phục vụ sinh viên thì quá lãng phí. Do vậy, yêu cầu Sở KH&ĐT chú ý bố trí nguồn vốn cho các hạng mục nhà đã cơ bản hoàn thành, đưa sinh viên vào ở phục vụ năm học mới. Sở Xây dựng cùng Sở Tài chính cũng phải khẩn trương để xây dựng giá cho thuê nhà sinh viên", Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tỏ ra khá cương quyết đối với những dự án này.
Hiện nay, Tp.HCM cũng gặp khó khăn về vốn trong việc hoàn thiện và xây dựng thêm các ký túc xá. Số liệu của Sở Xây dựng cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 225 nghìn sinh viên đến từ nhiều địa phương đang có nhu cầu ở trong ký túc xã, nhưng các khu ký túc xá chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu. Còn 80% sinh viên phải thuê nhà trọ bên ngoài để theo đuổi việc học tập.
Tập trung phát triển nhà ở sinh viên là hướng đi đúng đắn nhưng rõ ràng các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng loại hình nhà ở này nhằm để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và thực hiện Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê với mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng được 60% nhu cầu về chỗ ở cho học sinh, sinh viên mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.