"Các gói tín dụng là sự trợ giúp về mặt năng lực tài chính trước mắt, nhất thiết phải có những chính sách tạo điều kiện để người dân có khả năng lo được nhà ở mới là mục tiêu lâu dài".
Trên đây là nhận định của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường trong cuộc trao đổi với phóng viên về các gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản trong thời gian qua.
|
Nhất thiết phải có những chính sách tạo điều kiện để người dân có khả năng
lo được nhà ở mới là mục tiêu lâu dài |
- Thưa ông, hơn một năm qua Nhà nước đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản, vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của gói này?
Theo sự thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 10%. Con số này mới chỉ đạt được 50% so với cam kết giải ngân là 20%. Tuy nhiên, nếu so với tháng 6/2013 thì tiến độ giải ngân đang ngày một tăng cao, gần như gấp đôi, một số vướng mắc tìm được hướng giải quyết. Với Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP... đã tạo được một số đổi mới phù hợp với thực tế. Song, những đổi mới này còn nằm trên văn bản nên vẫn chưa thực sự tạo ra được hiệu quả trong cuộc sống. Tôi nghĩ, một khi chúng ta áp dụng những yếu tố đổi mới của Nghị quyết một cách mạnh mẽ hơn thì tốc độ giải ngân trong tương lai sẽ tăng hơn nhiều. Điều tôi băn khoăn nhất là làm thế nào để người thu nhập thấp có thể vay được tiền trong gói này.
- Vậy những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này do đâu, thưa ông?
Theo tôi thì vẫn đề mấu chốt nằm ở các Ngân hàng (NH). Nhiều NH vẫn chưa thực sự nhiệt tình đối với các đối tượng đi vay. Bởi vậy nên họ chỉ tạo cơ hội được chạm tới gói này đối với những trường hợp nào “chắc ăn” còn trường hợp khó khăn thì bỏ mặc.Tôi nghĩ, sở dĩ các NH không mặn mà lắm trong việc giải ngân có lẽ là do nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao, hoặc do NH không thích cho vay lẻ tẻ mà chỉ thích cho vay những khoản lớn. Và nó xuất phát từ tư duy của các lãnh đạo NH, ở chỗ khi thực hiện việc giải ngân này, họ có xác định nghĩa vụ an sinh xã hội của mình hay không, hay chỉ tập trung vào chuyện kinh doanh? Thiết nghĩ, các lãnh đạo NH cần “xốc” lại tư tưởng làm việc của mình, cần phải có cơ chế để đảm bảo các khoản vay không bị rơi vào nợ xấu, nhưng cũng không quá khắt khe trong việc bắt người vay tiền phải giải trình khả năng trả nợ. Theo tôi, điều này còn lớn hơn vấn đề trách nhiệm xã hội, bởi đó là cơ chế để thoát khỏi cách thức cho vay truyền thống mà các NH thường thực hiện.
- Hiện nay gói 30.000 tỷ đồng đang được cho là phát huy kém hiệu quả, vậy theo ông, có cần thiết phải gia tăng thêm gói hỗ trợ mới không?
Tôi nghĩ là hoàn toàn cần thiết có một gói hỗ trợ mới nhưng mục tiêu tiến tới cũng hoàn toàn phải mới. Trong khi gói 30.000 tỷ hướng vào việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp thì gói hỗ trợ tín dụng mới phải hướng vào giải phóng lượng tồn kho BĐS, đồng thời,cũng phải hỗ trợ cho người thu nhập khá có thể tính đến chuyện coa khả năng mua BĐS hạng trung và cao cấp. Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu gói hỗ trợ mới này có chạm được tới kho BĐS tồn kho hay không? Tôi nghĩ điều này là có thể, nhưng không nhiều. Bởi nếu rà soát lại sản phẩm hàng tồn kho BĐS liệu có bao nhiêu căn có thể ở được? Hàng loạt dự án được đặt giữa chốn đồng không mông quạnh, những nơi không có hoặc còn thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường xá, trường học, chợi, khu vui chơi giải trí, bệnh viện... Vậy nên chúng ta nhất thiết phải phân loại xem trong kho BĐS còn tồn đọng, cái nào có thể bán được, cái nào phải tìm hướng giải quyết khác.
Theo tôi gói hỗ trợ mới có ý nghĩa nhất định trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, song hiệu quả có lẽ không cao vì không thực sự thu hút được nhiều người vay. Tuy nhiên, hãy cứ để gói hỗ trợ mới được triển khai, nếu trong quá trình thực hiện giải ngân gặp nhiều khó khăn, bất cập thì ắt tự nó phải dừng lại.
- Vậy để có thể giải bài toán khó mang tên "hỗ trợ thị trường BĐS" thì cần lưu ý vấn đề gì, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, thị trường BĐS mang những nét đặc thù riêng, bởi đó không chỉ đơn thuần là sự phát triển thị trường mà còn liên quan rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Do vậy, việc hoạch định chính sách cần phải nâng cao dần lên mức độ chuyên nghiệp.
Nhưng suy cho cùng, chuyện về các gói tín dụng, thực chất chỉ là một giải pháp trợ giúp về năng lực tài chính, vấn đề quan trọng ở đây là cần phải có những chính sách để tạo điều kiện để người dân có thể tự lo được nhà ở cho mình. Tôi nghĩ, việc trao cho người dân cái cần câu sẽ hữu ích hơn khi trao cho họ con cá. Nếu cho người dân vay ưu đãi cũng gần giống cách chúng ta bao cấp, cho cái này cái kia, và khi đến được với người dân sẽ nảy sinh tham nhũng.
Tôi cho rằng, cái chốt cuối cùng mà chúng ta vẫn chưa tìm ra giải pháp với gói 30.000 tỷ là làm cách nào để cải thiện thu nhập của người thu nhập thấp? Vấn đề này nhiều nước trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng ta chưa đặt vấn đề học tập cũng như việc đưa kinh nghiệm đó vào Việt Nam như thế nào cho phù hợp.