Gần đây, hàng loạt chủ đầu tư dự án liên kết với ngân hàng hỗ trợ tín dụng với mức rất hấp dẫn cho người mua. Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra thận trọng với chiêu thức trên.
Gần đây, hàng loạt chủ đầu tư dự án liên kết với ngân hàng hỗ trợ tín dụng với mức rất hấp dẫn cho người mua. Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra thận trọng với chiêu thức trên.
Kể từ tháng 5, song song với các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhiều chủ đầu tư tiếp tục hỗ trợ thêm phần lãi suất cho khách hàng thêm 4-5% nữa khiến lãi vay giảm về mức 7-11%/năm. Động thái này đã thu hút được sự chú ý của người mua nhà đang “khát vốn”. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường vẫn lặng sóng và khá “dè dặt”.
Sợ ngân hàng “giăng bẫy”
Vấn đề được nhiều người vay tiền mua nhà hiện nay quan tâm là sau thời gian hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào, và điều gì chắc chắn rằng lãi suất mới không tăng vọt. Hiện nay trong hầu hết các hợp đồng mua nhà có cam kết vay vốn, các ngân hàng chỉ để thời gian vay vốn với mức lãi suất “rẻ” khoảng 3-6 tháng hoặc 1 năm đầu tiên. Trong khi đó, thời gian trả nợ có thể kéo dài 3-10 năm.
Kịch bản lãi suất năm 2011 là một bài học xương máu cho người đi vay khi lãi suất đã từng tăng vọt từ mức 13-14% lên mức 25-26%/năm. Nhiều người vay tiền mua nhà khi đấy như "ngồi trên đống lửa" bởi tiền thì vẫn phải đóng đều đặn theo đợt trong khi lãi ngân hàng tăng lên "chóng mặt".
Vì vậy, người vay cần lường trước được rủi ro về khoản vay mua nhà trong dài hạn. Người vay phải có thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất sau này. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến việc bị phạt lãi suất nếu trả vốn trước hạn.
Niềm tin vào tiến độ dự án bị “thui chột”
Trao đối với PV, chị Nga đang có ý định mua dự án ưu đã lãi suất tại quận Hoàng Mai cho biết: “Dù mua dự án được hưởng lãi suất ưu đãi đến 10%/năm trong 1 năm đầu tiên nhưng tôi vẫn rất băn khoăn về tiến độ dự án. Không có điều gì đảm bảo 100% rằng sau khi tiền đã đóng hết theo hợp đồng thì nhà sẽ được giao”. Trên thực tế, hiện nay hơn 90% các dự án chậm tiến độ, thậm chí có dự án chậm triển khai hoàn toàn sau khi huy động tiền của người mua. Vì vậy, người mua cân nhắc về tiến độ dự án trước khi xuống tiền là điều dễ hiểu.
Còn nhớ đầu năm 2012, nhiều người mua nhà đã lâm vào cảnh “chết đứng” khi tham khuyến mãi khủng. Những chiêu khuyến mại như mua nhà được tặng ôtô, Vespa hay tặng nội thất,...đã thực sự hấp dẫn người mua. Tuy nhiên, sau khi huy động tiền về, chủ đầu tư đã dùng tiền đấy trả nợ, gửi ngân hàng…hay làm gì thì không ai biết. Chỉ biết dự án vẫn nằm đắp chiếu và chưa biết khi nào mới bàn giao.
Dự án được nhắc nhiều nhất phải kể đến Usilk City (Hà Đông, Hà Nội) của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (STL) Ở thời điểm đó (tháng 5/2011), STL đã quyết định “biếu không” một diện tích đáng kể sàn trung tâm thương mại cho 200 khách hàng trả tiền mua căn hộ một lần (không đóng theo tiến độ góp vốn trong hợp đồng). Tuy nhiên, sau khi chiến dịch khuyến mãi, Dự án Usilk City bắt đầu xuất hiện nguy cơ chậm tiến độ.
Một kịch bản tương tự Usilk City cũng được chủ đầu tư Dự án chung cư AZ Vân Canh Towers (Khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là Công ty cổ phần Bất động sản AZ áp dụng cho các khách hàng của mình.
Dự án chung cư AZ Vân Canh Towers kêu gọi khách hàng góp vốn từ giữa năm 2010 với mức giá khả rẻ (11 - 12 triệu đồng/m2). Thời gian thực hiện từ quý II/2010 đến quý IV/2012 và sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng chậm nhất vào quý I/2012. Nhưng đến nay, dự án vẫn “cửa đóng, then cài” với lý do “đang trong quá trình khoan cọc nhồi” và chưa biết đến khi nào sẽ hoàn thành.
Như vậy, với những chiêu khuyến mại “khủng”, chủ đầu tư đã đánh trúng vào tâm lý "ham đồ tặng kèm" của nhiều khách hàng. Kết quả là người bán thu được một số tiền lớn, trong khi phần thiệt thòi người mua phải gánh chịu.
Chính vì thế, hiện nay nhiều người mua vẫn ngờ vực và hết sức thận trọng đối với các dự án đang ưu đãi lãi suất. Theo Anh Minh, nhà đầu tư: “Rủi ro lớn nhất mà khách mua nhà nhận ưu đãi khủng có thể gặp phải là dự án đang dở dang, chủ đầu tư huy động vốn rồi sau đấy không triển khai tiếp. Lúc đó, người mua chịu thiệt nhất bởi tiền đã đóng, nhà thì chưa thấy đâu còn muốn rút vốn ra cũng rất khó khăn”.
(Theo TTVN)