Hiện nay, rất nhiều khu nhà xưởng, cơ quan sử dụng tấm nhôm ốp kết hợp với khung thép chịu lực cho khu vực "mặt tiền". Quy trình thi công đối với loại vật liệu này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự chính xác cao.
Hiện nay, rất nhiều khu nhà xưởng, cơ quan sử dụng tấm nhôm ốp kết hợp với khung thép chịu lực cho khu vực "mặt tiền". Quy trình thi công đối với loại vật liệu này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự chính xác cao.
Vật liệu tấm ốp nhôm kim loại được áp dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng khoảng 4-5 năm gần đây. Được sản xuất bằng công nghệ hiện đại nên vật liệu tấm ốp nhôm kim loại có những ưu điểm nổi trội như màu sắc đa dạng phong phú, độ bóng, độ bền cao, khả năng chống cháy cao, cách âm cách nhiệt tốt, chịu được khí hậu khắc nghiệt, thi công dễ dàng tạo hình khối từ thẳng cho đến những đường cong phức tạp.
Quy trình thi công đối với loại vật liệu này:
- Đầu tiên, cần tạo hệ khung xương sắt chịu lực bằng thép hộp 2 x 2 cm; 2 x 4 cm... dày từ 2 đến 3 mm. Các hệ khung xương này phải được tính toán để đảm bảo khả năng chịu lực cũng như kiểu dáng kiến trúc của tấm ốp nhôm, thông thường khoảng cách là 60 cm/thanh.
- Đo và cắt tấm ốp nhôm theo đúng yêu cầu thiết kế.
- Đối với những đường ghép giữa 2 tấm cần cắt vát 2 cạnh ghép mí.
- Cố định tấm ốp vào hệ khung xương sắt bằng keo dính sắt và vít.
- Hoàn thiện các bề mặt ghép (dán băng dính và bơm keo silicon màu)
- Bóc lớp paraphin bảo vệ bề mặt tấm ốp nhôm
Hiện nay giá thành thi công của 1 m2 hoàn thiện tấm ốp tùy thuộc vào chất lượng tấm (cấu tạo, tấm ngoài trời hay trong nhà), hình dạng kiến trúc đơn giản hay phức tạp, độ hao phí vật liệu, dao động trong khoảng từ 800.000 đến 1.300.000 đồng. Một trong những kinh nghiệm để phân biệt tấm ngoài trời và trong nhà là dùng hóa chất axêton để thử. Với những tấm trong nhà sau khi dùng axêtôn lau lên thì bề mặt tấm sẽ nhợt nhạt mất màu, thậm chí có thể bị bong lớp bên ngoài. Còn với những tấm ngoài trời thì sẽ không có những hiện tượng này xảy ra.
KTS Lê Vũ Thắng
VnKientruc