Theo quy định, hành vi treo quảng cáo trên thân cây, cột điện, cột tín hiệu giao thông… bị tăng mức phạt cao gấp 5 lần so với quy định cũ. Thế nhưng, tình trạng quảng cáo trái phép vẫn tiếp tục xảy ra, bất chấp lệnh cấm.
Quảng cáo ‘leo’ cây xanh, cột điện
Tại Tp.HCM, dọc theo nhiều tuyến đường không khó để bắt gặp các mẩu quảng cáo, rao vặt liên quan đến nhà đất. Quảng cáo xuất hiện dày đặc trên cây xanh, cột điện, thậm chí là trên các cột đèn giao thông… gây mất mỹ quan đô thị.
Để xử lý tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2017 có hiệu lực từ ngày 5/5/2017 để sửa đổi quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo.
Nở rộ quảng cáo nhà đất vi phạm quy định pháp luật, bất chấp lệnh cấm
Theo đó, hành vi này có thể bị phạt tới 10 triệu đồng, mức phạt cao gấp 5 lần so với quy định trước đây.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Beeland cho rằng, các mẫu quảng cáo như trên hầu hết là quảng cáo của người bán đất thổ cư và một số đất dự án BĐS có giá trị thấp. Còn các dự án lớn của chủ đầu tư uy tín thì thường không dùng cách quảng cáo này.
“Quảng cáo trên cây cột điện, cây xanh, đèn giao thông… thường không mang lại hiệu quả và ảnh hưởng tới mỹ quan cũng như thương hiệu của chủ đầu tư. Các dự án lớn thường tiếp cận khách hàng bằng các hình thức quảng cáo hiện đại như qua trang web, văn phòng môi giới hoặc các nguồn tin chính thống….” ông Hoàng Anh nói.
“Những dự án rao bán bằng hình thức treo phướn trên cây xanh, cột điện là cách do môi giới nghĩ ra và không thông qua chủ đầu tư dự án. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra mức phạt cao dành cho môi giới nếu như phát hiện ra hành vi này.
Chủ đầu tư sẽ phạt nặng bởi khi ký hợp đồng với môi giới thường có quy định về việc quảng cáo sản phẩm với khách hàng như thế nào. Nếu nhân viên cố tình vi phạm, bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt thì ngoài việc phải tự bỏ tiền nộp phạt, nhân viên đó còn bị kiểm điểm”, ông Hoàng Anh chia sẻ thêm.
Lần theo số điện thoại để xử phạt
Anh N.T.Thành, một người môi giới đất nền tại khu vực quận 9 cho biết, dù quy định của Nhà nước đã tăng mức phạt lên gấp 5 lần, nhưng nếu có mánh khóe thì vẫn có thể dùng cách quảng cáo này được. Để tránh bị phạt, nhiều môi giới sẽ tranh thủ dán mẩu quảng cáo vào buổi tối và chọn thời điểm thích hợp để cơ quan quản lý khó phát hiện nhất. Đồng thời, môi giới sẽ dùng nhiều số điện thoại khác nhau để tránh trường hợp bị phát hiện.
“Đất nền thường được chia nhỏ ra để bán nên giá trị thường không cao bằng các dự án căn hộ lớn. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí, cách làm như vậy cũng là một cách hay dù biết hành vi này bị cấm. Việc treo quảng cáo trên các tuyến đường khiến các môi giới khá mất công sức, nhưng cách làm này lại dễ thu hút sự chú ý của người đi đường”, anh Thành cho biết.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư Tp.HCM, để xử phạt hành vi này cần phải có sự kiên quyết của cơ quan chức năng. Theo quy định tại nghị định 28/2017, trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về UBND, công an phường xã, quận, huyện.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND Tp.HCM khẳng định, TP sẽ dựa theo số điện thoại ghi trên các tờ rơi, tờ phướn để xác minh chủ nhân có sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được quảng cáo trái phép. Đây chính là căn cứ xử phạt nghiêm người vi phạm. Tp.HCM kiên quyết sẽ xử lý tình trạng này để lấy lại mỹ quan cho đô thị.