Kính xây dựng là sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt nên được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng và đời sống xã hội. Tuy nhiên, với những đặc tính cơ lý của sản phẩm thì đây cũng là mặt hàng có nguy cơ gây mất an toàn cao cho người sử dụng, đặc biệt là khi sản phẩm này được thiết kế và lắp đặt trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Kính xây dựng là sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt nên được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng và đời sống xã hội. Tuy nhiên, với những đặc tính cơ lý của sản phẩm thì đây cũng là mặt hàng có nguy cơ gây mất an toàn cao cho người sử dụng, đặc biệt là khi sản phẩm này được thiết kế và lắp đặt trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Ngày nay, do nhu cầu xây dựng; nhiều dây chuyền kính với nhiều chủng loại về chiều dày, màu sắc đã được đưa vào sản xuất như dây chuyền kính kéo đứng và kéo ngang của các nhà sản xuất trong nước, cũng như đa dạng các sản phẩm kính có khả năng nhập khẩu. Theo Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam, hiện tại thị trường có 9 sản phẩm kính xây dựng có khả năng gây mất an toàn bao gồm: kính kéo, kính cán vân hoa, kính nổi trong không màu, kính màu hấp thụ nhiệt, kính phủ phản quang, kính tôi nhiệt an toàn, kính dán nhiều lớp, kính dán an toàn nhiều lớp và kính gương tráng bạc bằng phương pháp hóa học ướt.
Các loại kính này hiện đang được thị trường xây dựng tiêu thụ rất mạnh, nếu không có các chỉ tiêu chất lượng cụ thể thì nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng là khó tránh khỏi. Vì vậy, để kiểm soát quản lý chặt chẽ về chất lượng, tính năng kỹ thuật và phạm vi sử dụng để loại bỏ tối đa những tiềm ẩn có nguy cơ gây mất an toàn của loại sản phẩm, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2009/TT-BXD ngày 18/6/2009 quy định công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng. Theo thông tư này các loại sản phẩm hàng hóa kính bao gồm kính kéo, kính nổi, kính cán vân hoa, kính màu hấp thụ nhiệt, kính phủ phản quang, kính tôi nhiệt an toàn, kính an toàn nhiều lớp và các sản phẩm sau kính như kính gương tráng bạc, các chế phẩm sử dụng kính đều bị đưa vào danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn - với những quy định nghiêm ngặt về công bố chất lượng kiểm soát chất lượng và chứng nhận hợp quy. Thông tư này cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế, thi công, lắp đặt sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng có trách nhiệm tuân thủ các điều kiện quy định về quy phạm sử dụng kính trong xây dựng phù hợp với TCVN 7505:2005.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 3/9/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”. Trong nội dung của Nghị định có chương đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Tiếp đó, ngày 17/11/2005, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 40/QĐ - BXD ban hành quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Quy chuẩn này là văn bản pháp quy kỹ thuật, quy định yêu cầu kỹ thuật tối thiểu bắt buộc phải tuân thủ để sử dụng năng lượng có hiệu quả khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình thương mại, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, nhà cao tầng, văn phòng, khách sạn lớn có sử dụng điều hòa không khí, các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng.
Năm 2006, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì thực hiện có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Năm 2008, Quyết định số 377 của Bộ Xây dựng đã ban hành chương trình sử dụng năng lượng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả của ngành Xây dựng. Chương trình được triển khai từ năm 2007 - 2010 và sẽ nâng cấp mở rộng trong giai đoạn 2010 - 2020.
Trong các công trình xây dựng, lớp vỏ công trình có ảnh hưởng khá lớn đến việc sử dụng năng lượng của công trình. Hiện nay, các vật liệu sử dụng làm vỏ bao che công trình rất phong phú về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, hệ số truyền nhiệt và mức độ an toàn trong sử dụng. Trong số đó, vật liệu kính được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các công trình xây dựng có diện tích quy mô lớn. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 09: 2005 - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Quy chuẩn XDVN 05: 2008/BXD - Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.
Quy định về vỏ công trình và kính trong quy chuẩn XDVN đó là khi thiết kế, thi công xây dựng và sử dụng lớp vỏ công trình phải bảo đảm các yêu cầu: thông thoáng tự nhiên khi các điều kiện khí hậu bên ngoài cho phép; giảm thiểu giá lạnh vào mùa đông; đủ khả năng chiếu sáng tự nhiên dưới các điều kiện cho phép thông thường, đồng thời giảm thiểu bức xạ mặt trời xâm nhập vào bên trong công trình. Quy định về an toàn sử dụng trong quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 05: 2008/BXD yêu cầu kính tại các nơi thường xuyên có người lui tới bên trong hoặc xung quanh công trình phải đáp ứng một trong các yếu tố tối thiểu như: bảo vệ tránh va đập có thể chịu được tác động va đập và không bị vỡ và nếu có bị vỡ do va đập thì cũng không gây nguy hiểm cho người sử dụng…
Trong thời gian qua, mặc dù đã ban hành một số quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực sử dụng kính an toàn và tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên vẫn còn thiếu những quy định cụ thể, đặc biệt là các quy định về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, thiết kế, lắp đặt , kiểm tra thử nghiệm, sử dụng các loại kính trong các loại hính công trình. Thực tế, đối với nhà ở dân dụng hiện nay, các loại kính sử dụng là kính một lớp, kính trong chưa bảo đảm yêu cầu hệ số truyền nhiệt và độ an toàn.
Để từng bước hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động xây dựng nói chung và kính xây dựng nói riêng, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện soát xét, bổ sung, chỉnh sửa các nội dung của quy chuẩn XDVN - các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Trong phần quy định về sử dụng kính làm vật liệu bao che sẽ nghiên cứu bỏ quy định cứng về tỷ lệ phần trăm diện tích lắp kính trên tổng diện tích tường ngoài, mái che và thay bằng quy định giá trị truyền nhiệt tổng cần phải tuân thủ. Bổ sung thêm quy định về chiều dày, số lớp kính, loại kính, độ chịu va đập... đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng.
Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về kính xây dựng, kính chống đạn, phương pháp thử và phân loại. Kính xây dựng phương pháp thử độ bền gió cho kính. Tường kính, xác định độ lọt khí, phương pháp thử, độ bền áp lực thử… Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế, lựa chọn các loại vật liệu, kết cấu bao che nhằm đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Sau khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật được ban hành, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các hội thảo tập huấn nhằm phổ biến các quy chuẩn, các tiêu chuẩn hướng dẫn kỹ thuật tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, chủ đầu tư, cán bộ thiết kế, tư vấn thi công xây dựng các công trình về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng nói chung và trong việc sử dụng kính an toàn, tiết kiệm nói riêng ở các cấp trung ương và địa phương.
Nhằm khắc phục những tồn tại trong việc hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, quy phạm về an toàn và tiết kiệm năng lượng của kính trong xây dựng, Hiệp hội kính xây dựng và các nhà sản xuất rất mong muốn “Luật sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả” được nhanh chóng hoàn thiện, thông qua và đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất. Đề nghị Bộ Xây dựng cho soát xét, bổ sung, chỉnh sửa các nội dung của quy chuẩn xây dựng Việt Nam - các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Quy định cụ thể hóa bắt buộc những vị trí công năng, phải sử dụng kính an toàn, kính tiết kiệm năng lượng và đèn chiếu sáng đúng quy chuẩn.
(Theo Baoxaydung)