Chủ trương điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch "treo" đang được TP Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này cần triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn mới đáp ứng được mong mỏi của hàng triệu người dân.
Dân khổ vì "treo" kéo dài
Ông Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cho biết, dự án cải tạo rạch Ông Búp trên địa bàn quận chỉ dài 4,5km nhưng bị "treo" từ năm 2003 đến nay. Hàng nghìn hộ dân sống quanh khu vực chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường và không được xây, sửa nhà. Oái oăm hơn, ông Phạm Thành Danh (phường 15, quận Gò Vấp) bức xúc: Căn nhà xập xệ của gia đình nằm trong dự án quy hoạch khu cây xanh từ 30 năm trước. Cách đây hơn 10 năm, UBND quận Gò Vấp có kế hoạch xây nhà tình nghĩa cho gia đình (do cha ông là con liệt sĩ), nhưng do phần đất của căn nhà vướng quy hoạch nên không thực hiện được.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn khoảng 570 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000ha, trong đó không ít dự án đã án binh bất động hơn 20 năm. Điển hình như dự án Khu đô thị Đại học quốc tế tại huyện Hóc Môn (quy mô 900ha); Khu dân cư Tân Tạo và khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng ở huyện Bình Chánh (gần 500ha); dự án Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi (450ha)... Việc chậm hoặc chưa triển khai các dự án này đã ảnh hưởng tới hàng triệu người dân thành phố.
|
Cần quyết liệt xóa bỏ các dự án "treo" ảnh hưởng đến quyền lời và cuộc sống của người dân |
Cần xóa dự án không hiệu quả
Thấu hiểu nhu cầu của người dân, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch khu dân cư Him Lam và khu nhà ở Hạnh Phúc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Tại huyện Nhà Bè, khu dân cư ấp 4 cũng được điều chỉnh từ đất chung cư cao tầng sang đất dân cư thấp tầng. Theo đó, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên có cơ hội được ở trong những căn nhà sạch sẽ, khang trang, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Trước đó, do không thể triển khai, UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thu hồi 3 dự án quy hoạch khu công nghiệp là Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Phước Hiệp và Bàu Đưng (huyện Củ Chi) để điều chỉnh quy hoạch thành điểm dân cư nông thôn hiện hữu và đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là những dự án "hiếm hoi" được điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch, chưa "thấm" gì so với hàng trăm dự án vẫn chưa biết khi nào triển khai.
Để giải quyết những quy hoạch kéo dài, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường xử lý theo hướng: Dự án nào chậm triển khai có lý do chính đáng được thẩm định lại, rà soát hồ sơ, tháo gỡ vướng mắc; dự án nào kéo dài nhưng không khả thi, ảnh hưởng tới người dân sẽ bị thu hồi, nghiên cứu điều chỉnh hoặc xóa bỏ.
Tuy nhiên, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, quy trình điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch hiện còn rất chậm, nhanh nhất cũng phải mất một năm. Trong khi đó, đối với các đồ án quy hoạch được lập từ 10 năm trở lên, muốn điều chỉnh hay xóa phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Góp ý về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần rà soát lại các quy hoạch trên địa bàn, thẩm định lại tính khả thi, từ đó xác định có nên tiếp tục triển khai hay không. TSKH Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng, những dự án không được nhà đầu tư thực hiện như cam kết thì thu hồi để kêu gọi nhà đầu tư khác, sau 3 - 6 tháng nếu không kêu gọi được nhà đầu tư khác thì phải xóa, trả lại đất cho người dân.