Hà Nội đang dẫn đầu 54 thành phố trên thế giới về lợi suất thị trường văn phòng hạng A, theo sau là TP HCM trong bối cảnh lợi nhuận toàn cầu của thị trường này đang ngày càng bị thắt chặt, theo Savills.
Dữ liệu từ 54 thành phố trên khắp châu Á, Australia, châu Âu và Mỹ cho thấy Hà Nội đang dẫn đầu mới mức lợi suất là 8,75% một năm. Vị trí kế tiếp là TP HCM với 8,5%. Đài Bắc xếp cuối bảng với mức lợi suất văn phòng thấp nhất, gần 2%, ngay phía trên là Hong Kong với 2,5%. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của 2 đại diện đến từ Việt Nam nhờ vào các yếu tố: sự dịch chuyển đầu tư vào nước này tăng lên khiến nhu cầu văn phòng tăng cao trên nền tảng kinh tế, chính trị ổn định.
Trong khi Hà Nội và Sài Gòn có lợi suất văn phòng cao thì nhiều thành phố cửa ngõ khác trên toàn cầu lại bất ngờ sụt giảm. Theo báo cáo Phân bổ lợi suất văn phòng thế giới (World Office Yield Spectrum) mới nhất của Savills và Đại học Deakin (Australia), mức giảm trung bình của lợi suất trên 11 thành phố cửa ngõ kể từ tháng 12/2014 là 95 điểm cơ bản. San Francisco chứng kiến mức giảm đáng kể, từ gần 7% xuống 4,64%. Trong khi đó tại Thượng Hải và phía Tây Los Angeles giảm nhẹ hơn, chỉ ở mức tương ứng là 0,29% và 0,31%.
Hà Nội đang dẫn đầu 54 thành phố trên thế giới về lợi suất thị trường
văn phòng hạng A
Trong số các thành phố lớn này, Sydney đạt mức lợi suất hấp dẫn nhất, 5,37%. Theo sau là thị trường phía Tây Los Angeles và San Francisco, là những thành phố có mức lợi suất trên 4,50%. Khối lượng cho thuê văn phòng tại Los Angeles cũng ghi nhận đạt mức cao kỷ lục trong suốt một thập kỷ qua.
Ở khu vực châu Á, lợi suất văn phòng tại các thành phố lớn đã bị thắt chặt và việc tỷ suất sinh lời tiếp tục giảm sâu sẽ càng thúc đẩy các nhà đầu tư khám phá thị trường ngoài quốc gia và khu vực. Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong, là những quốc gia dẫn đầu về hoạt động đầu tư xuyên biên giới, trong đó Hàn Quốc ghi nhận đầu tư ra nước ngoài cao nhất.
Tại Anh và châu Âu, Brexit đã làm giảm hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp và thể chế nhưng lại làm gia tăng mạnh nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư cá nhân. Nguồn cầu này xuất phát từ việc nhiều nhà đầu tư cho rằng sự suy yếu của đồng bảng là đủ để bù đắp cho việc rủi ro nghề nghiệp được cho rằng đã tăng lên sau Brexit. Trong năm 2017 và các năm sau khối lượng đầu tư sẽ có giảm xuống mức 50 tỷ bảng Anh mỗi năm, với xu hướng dịch chuyển từ các giao dịch đầu tư cơ hội sang các giao dịch đảm bảo thu nhập.
Brexit được dự báo chắc chắn mang đến rủi ro tạo ra những bất ổn về mặt khách thuê văn phòng trong một khoảng thời gian kéo dài, nhưng ở mức độ nào đó, điều này sẽ được cân bằng bằng việc các nhà phát triển bất động sản sẽ giảm hoạt động phát triển mặt bằng văn phòng. Tuy nhiên, tác động thực sự của Brexit vào thị trường Anh sẽ khó có thể định lượng cho đến khi chúng ta có thêm thông tin về cách mà Anh sẽ tách ra khỏi EU.
Tại Mỹ, trong năm 2016 với tổng doanh thu bất động sản văn phòng tính đến tháng 11 đạt 124 tỷ USD, thấp hơn khoảng 4% so với con số 129,6 tỷ đôla Mỹ trong 11 tháng đầu năm của 2015. Một số thành phố cửa ngõ đang dần không còn được coi là thị trường được ưu ái nhất. Khách mua không còn hào hứng với các thị trường như Manhattan và Washington DC, nguồn cầu đang giảm trong khi nguồn cung đang tăng. Mặt khác, khách mua vẫn giữ vững hoạt động tại Boston và Los Angeles, nơi các phân khúc khoa học đời sống và giải trí/truyền thông xã hội đang tiếp tục phát triển.
Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Australia, Tony Crabb nhận định, thị trường văn phòng được các nhà đầu tư ưu ái, nay do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế và chính trị, đã trở thành một lựa chọn đầu tư an toàn và càng thu hút các nhà đầu tư hơn nữa. Đây là một thời điểm thú vị trong chu kỳ đầu tư văn phòng do thị trường đã phản ứng với hình thức đầu tư lạm phát/tăng trưởng bằng cách thúc đẩy lợi suất trái phiếu và cổ phiếu tăng trưởng.
Ông Tony Crabb đánh giá, với thực trạng hầu hết các thị trường vẫn còn tồn tại tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị, có thể nói thị trường đầu tư văn phòng sẽ tiếp tục đem đến giá trị đầu tư tốt, vì vậy thu hút nguồn cầu lớn hơn, và trong một số trường hợp sẽ làm giảm lợi suất.
Theo chuyên gia này, phần lớn những gì sẽ xảy ra trong năm 2017 và các năm sau sẽ phụ thuộc vào các quyết định của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đối với mức lãi suất và những chính sách mà Tổng thống mới sẽ thiết lập. Ngoài ra, với đàm phán Brexit và hoạt động bầu cử ở các nước lớn khác ở Châu Âu, sẽ là yếu tố chính để quyết định dao động của tiền tệ, dòng chảy thương mại và luồng dịch chuyển của vốn trên thế giới.