Xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội và được triển khai nhanh chóng đã giúp nhiều dự án đổi vận, trong khi đó, một số dự án gặp không ít khó khăn bởi sự chậm trễ của chủ đầu tư.
Nhiều dự án mắc kẹt khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hết hạn.
(Nguồn ảnh: Phương Anh).
Dự án đổi vận
Năm 2012-2013, thị trường địa ốc gặp khó khăn do không bán được sản phẩm và thiếu vốn triển khai dự án. Trước thực trạng đó, nhiều chủ đầu tư đã xin cơ cấu lại diện tích căn hộ, một số khác xin chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang nhà xã hội để hưởng ưu đãi, đáng kể nhất là ưu đãi về vay vốn lãi suất thấp từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng.
Hà Nội có đến hơn 20 dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà xã hội tính đến năm 2015. Nhờ hưởng ưu đãi từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, một số dự án sau khi chuyển đổi đã thực sự được đổi vận. Dự án 143 Trần Phú (Hà Đông) của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà và dự án số 30 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) của CTCP Đầu tư xây dựng và Thương mại Bắc Hà là những ví dụ điển hình.
Trước khi một phần dự án được chủ đầu tư xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội, dự án 143 Trần Phú (Hà Đông) là tổ hợp nhà ở cao tầng có 3 tầng hầm. Công trình này được giao cho chủ đầu tư từ năm 2008 và chủ đầu tư cũng từng huy động vốn của nhiều khách hàng nhưng lại không triển khai xây dựng. Sau khi một phần dự án được chấp thuận chuyển đổi sang nhà ở xã hội, dự án mới được triển khai vào năm 2013. Cuối năm 2015, công trình hoàn thiện, giao nhà cho khách hàng.
Dự án số 30 Phạm Văn Đồng vốn là tổ hợp văn phòng cho thuê, thương mại và căn hộ để ở nhưng lại bị 'đắp chiếu' trong thời gian dài do chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai. Sau khi được chuyển đổi sang nhà ở xã hội, dự án được khởi động, rất nhiều khách hàng quan tâm nộp hồ sơ đăng ký mua nhà tại đây.
Hiện tượng khách hàng phải đăng ký quyền bốc thăm mua căn hộ không chỉ diễn ra dự án 30 Phạm Văn Đồng mà còn diễn ra ở các nhà xã hội khác tại Hà Nội như dự án Đại Kim của Handico5 hoặc Tây Nam Linh Đàm của Công ty BIC Việt Nam…
Gói 30 nghìn tỷ hết hạn, dự án mắc kẹt
Với không ít doanh nghiệp địa ốc, việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội trong giai đoạn khó khăn để hưởng các chính sách ưu đãi được coi là phao cứu sinh. Vậy nhưng, thành công chỉ đến với các dự án mà chủ đầu tư tận dụng được chính sách hỗ trợ ưu đãi để đẩy nhanh triển khai dự án khi chính sách hỗ trợ còn hiệu lực, còn với những dự án mà chủ đầu tư triển khai ỳ ạch, chậm trễ đến khi gói 30.000 tỷ đồng không tiếp khách mới và giải ngân sắp hết, chủ đầu tư lẫn khách hàng đều bị mắc kẹt.
Minh chứng là, tại dự án nhà xã hội Bright City (Hoài Đức, Hà Nội) của AZ Land. Công trình nằm trong nhóm dự án đầu tiên được chuyển đổi nhưng doanh nghiệp lại bị khách hàng khiếu nại và quá chậm trong khâu triển khai thực hiện, do đó kế hoạch bán hàng bị trì hoãn.
Tới khi thông tin gói 30 nghìn tỷ đồng sắp hết hạn lan rộng, Bright City đã không thể tiếp tục bán căn hộ. Việc không bán được sản phẩm khiến tiến độ dự án hiện nay có chững lại, khách hàng đã mua trước đó tỏ ra lo lắng.
Đến nay, chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nhà ở xã hội đã bớt lo lắng hơn khi Thủ tướng chính phủ ký quyết định về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội chỉ 4,8%/năm. Song, theo đại diện các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về gói lãi suất 4,8%/năm, do đó việc bán nhà ở xã hội hiện nay vẫn bị 'đóng băng'.
Trong khi các dự án nhà thương mại chuyển đổi sang nhà xã hội đang triển khai dở dang đang khốn đốn vì gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ kết thúc thì tương lai các dự đã được phép chuyển đổi nhưng chưa triển khai (đang chiếm đa số) càng mờ mịt hơn.