Đại diện Sở Xây dựng cho biết các dự án nhà ở thế chấp ngân hàng có rất nhiều tình trạng khác nhau, nhưng có thể xác định dự án nào thế chấp để bảo lãnh ngân hàng là thuộc diện an toàn.
Ngày 2/8, tại buổi toạ đàm "Thế chấp dự án: bình thường và bất thường" do báo Pháp Luật Tp.HCM tổ chức, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng thành phố), Vũ Thị Khuyên phân tích, rất khó xác định dự án đã thế chấp ngân hàng là dự án tốt hay không tốt.
Bà Khuyên giải thích, bởi vì còn nhiều điều phải thẩm định liên quan đến một dự án nhà ở, không phải chỉ phụ thuộc vào tiêu chí đang thế chấp nhà băng. Những dự án vẫn được ngân hàng cấp vốn thì tạm hiểu là ở nhóm tốt. Song, cũng có những dự án không được tổ chức tín dụng cho vay nữa thì cần phải xem lại.
Tuy nhiên, bà Khuyên nhấn mạnh thêm, theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh. Do đó, việc chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ dự án trong trường hợp bảo lãnh này có thể xác định nằm trong nhóm an toàn. "Sắp tới, trong những đợt công bố danh sách các dự án thế chấp tiếp theo, Sở sẽ lưu ý vấn đề này để phân loại cụ thể hơn, giúp người dân hiểu rõ tình trạng pháp lý của dự án", bà nói.
Sở Xây dựng cho rằng việc chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ dự án
trong trường hợp bảo lãnh có thể xác định nằm trong nhóm an toàn
Đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết thêm, thị trường bất động sản đã phát triển đến thời điểm đòi hỏi sự minh bạch cao. Muốn vậy thì chủ đầu tư phải minh bạch trước. Bà Khuyên kêu gọi các chủ đầu tư nên chủ động công khai mọi tình trạng pháp lý của dự án cho khách hàng của mình nắm rõ, trước khi cơ quan quản lý nhà nước công bố.
Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực kiến nghị, công bố danh sách dự án thế chấp ngân hàng nhằm mục đích minh bạch thông tin là tốt, nhưng cách làm còn khuyết điểm. Ông Đực đề nghị Sở Xây dựng công bố thêm pháp lý dự án và Sở Tài nguyên môi trường công khai việc cấp giấy chứng nhận của từng dự án để người dân nắm rõ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, Lê Hoàng Châu việc công bố các dự án đang thế chấp vừa qua vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, cần cân nhắc công bố thông tin cá nhân thế chấp thì lo ngại vi phạm Luật Dân sự. Thứ hai, việc cập nhật tình trạng thế chấp và giải chấp chưa kịp thời. Trách nhiệm của cơ quan quản lý phải công bố, trách nhiệm doanh nghiệp cũng phải minh bạch vấn đề này.
Thứ ba, nếu chỉ công bố 77 dự án trên tổng số 584 dự án đang triển khai, nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp huy động vốn mà chưa có giấy chứng nhận của Sở Xây dựng về việc đủ điều kiện huy động vốn. Vì vậy, công bố 77 dự án thế chấp dựa trên danh sách các dự án đủ điều kiện bán chưa phải là con số đúng và đủ.
Ông Châu đề nghị Sở Tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai cân nhắc công bố thông tin các dự án thế chấp theo thời gian thực. Nâng cấp đường truyền để đáp ứng điều này nhằm đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin của người dân. Đề nghị Sở Tư pháp tham gia để cung cấp thêm thông tin về các dự án thế chấp quyền tài sản. Lãnh đạo hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giám sát việc thế chấp dự án. Trên thực tế, ngân hàng có trách nhiệm giám sát tài sản hình thành trong tương lai.
Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, Phạm Ngọc Liên cho biết, ngay trong tuần này, các doanh nghiệp có rút bớt tài sản, dù chỉ giải chấp một căn hộ cũng sẽ được cập nhật thông tin trên website, nếu doanh nghiệp có thể giải chấp toàn bộ dự án thì càng tốt.
Qua xem xét, nhận thấy một dự án nhà ở xuất hiện 3 loại tài sản hình thành trong tương lai. Một là sở hữu riêng của người mua. Hai là sở hữu riêng của chủ đầu tư. Còn lại là tài sản sở hữu chung. Sở sẽ khuyến khích chủ đầu tư đăng ký tách riêng từng loại tài sản khi thế chấp để tiện cho việc minh bạch thông tin.
Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai cho rằng, Tp.HCM cần một nhạc trưởng trong việc công bố thông tin dự án thế chấp. Sở ngành nào có nhiều thông tin liên quan thì đứng ra chủ trì. Theo ông Liên, thành phố cũng cần tập làm quen với việc minh bạch thông tin từng khâu, từng quy trình pháp lý của dự án.
Ông Liên cho hay, UBND Tp.HCM vừa có văn bản trong tháng 8/2016 sẽ có tổ công tác kiểm tra các dự án có vướng mắc. Sau khi kết thúc nhiệm vụ sẽ báo cáo Uỷ ban và công bố thông tin để người dân được rõ.