Thị trường BĐS phía Tây Thủ đô vẫn luôn là điểm “nóng” trên thị trường trong thời gian vừa qua. Sở dĩ như vậy là bởi nhiều chủ dự án BĐS đang đẩy mạnh đầu tư và bung hàng.
|
BĐS phía Tây Hà Nội tiếp tục phát triển |
Phía Tây Hà Nội không còn là địa điểm mới mẻ với các nhà đầu tư BĐS. Giai đoạn 2007-2009, khu vực này đã từng “dậy sóng” thị trường với hàng trăm dự án thu hút người mua nhà. Sau một thời gian dài trầm lắng, từ năm 2015 trở lại đây, cùng với sự sôi động của thị trường thì khu vực phía Tây vẫn luôn là tâm điểm với nguồn cung gia tăng mạnh mẽ.
Dọc theo trục đường chính hướng tâm như Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài hay Quốc lộ 32, hàng loạt dự án BĐS quy mô lớn nhỏ mọc lên liên tiếp. Có thể kể đến hàng loạt dự án quy mô lớn như KĐT Nam An Khánh, KĐT Đông Nam Trần Duy Hưng, KĐT Lê Trọng Tấn – Geleximco, KĐT Dương Nội, khu tổ hợp Goldmark City,...
Trong báo cáo mới đây của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea) dự báo, từ nay đến cuối năm, lượng sản phẩm hoàn thành mới dự kiến sẽ đạt hơn 30.000 căn, một nửa trong số đó là phân khúc nhà trung cấp. Đặc biệt, khu vực phía Tây và Tây Nam sẽ vẫn tiếp tục thống lĩnh về nguồn cung.
Có cùng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Phó GĐ nghiên cứu của Savills cũng nhấn mạnh, trong số khoảng 40.800 căn hộ sẽ gia nhập thị trường từ nay đến cuối năm, phần lớn nguồn cung sẽ đến từ khu vực phía Tây Hà Nội, tập trung nhiều tại các quận như Hà Đông, Từ Liêm và Thanh Xuân.
Quan sát trên thị trường BĐS có thể thấy, trong nửa cuối năm 2017, thị trường phía Tây sẽ đón nhận nguồn cung khá lớn các dự án chung cư, biệt thự, liền kề đến từ các dự án như khu tổ hợp biệt thự liền lề, chung cư Roman Plaza, dự án Mỹ Đình Plaza 2 với quy mô 2 tòa chung cư, chung cư HDmon giai đoạn 2 với 45 tầng, dự án Mỹ Đình Pearl cũng có quy mô 2 tòa nhà.... Đặc biệt, một dự án có quy mô lên đến hàng trăm ha của Vingroup tại khu vực Đại Mỗ - Tây Mỗ cũng đang chuẩn bị ra mắt.
Đại diện Savills nhận định, sự bùng nổ mạnh mẽ của BĐS khu vực phía Tây Hà Nội trong vài năm qua có nhân tố chủ yếu là yếu tố hạ tầng. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều tuyến đường quan trọng như đường trên cao Vành đai 3, đường Tố Hữu, đường 70, đường Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn đã được hoàn thiện.
Ngoài ra, các tuyến đường lớn cũng liên tiếp được đầu tư mới hoặc cải tạo mở rộng như nút giao Vạn Phúc - Lê Văn Lương kéo dài, hầm chui Thăng Long - Khuất Duy Tiến, đường Lê Trọng Tấn - Văn Phú, các dự án cầu vượt, hầm chui… cũng liên tục được hoàn thành, tạo ra sự thông suốt cho tam giác phía Tây là Hà Đông - Nam Từ Liêm - Cầu Giấy.
Thêm vào đó, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội, Hà Đông - Cát Linh cùng các công trình hạ tầng khác cũng đang đi vào hoàn thiện đã tạo ra “cú hích” giúp thị trường BĐS khu vực phía Tây thu hút đông đảo khách hàng có nhu cầu thực về chỗ ở cũng như đầu tư chuyên nghiệp. Đặc biệt, thông tin đại gia bán lẻ Nhật Bản AEON Mall sắp tới sẽ xây dựng đại siêu thị AEON Mall thứ 2 tại Hà Đông cũng đã khiến thị trường BĐS khu vực phía Tây thêm phần sôi động.
Sự hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tiếp tục là nhân tố đẩy giá BĐS tại khu Tây tăng lên trong thời gian vừa qua. Cụ thể, so với các khu vực khác, khu Tây vẫn chiếm số lượng giao dịch tốt nhất, giá trung bình đã tăng từ 10-20% so với cách đây vài năm. Theo dự báo của các chuyên gia BĐS, từ nay đến cuối năm, khu vực này sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường cả về nguồn cầu và nguồn cung.