Đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị đất nước, đời sống của nhân dân nói chung, tăng cường quản lý đất đai là vấn đề then chốt. Với thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nói riêng, tăng cường quản lý đất đai chính là giải pháp trọng tâm thúc đẩy thị trường phát triển.
Giải pháp trọng tâm cho thị trường BĐS phát triển
chính là việc tăng cường quản lý đất đai.
Tăng cường quản lý bằng pháp luật
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Trần Kim Chung nhận định, thị trường BĐS đang có những biểu hiện phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa rõ rệt. Một lượng vốn mới đang được các doanh nghiệp thoái khỏi thị trường BĐS cùng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước.
Bởi vậy, để thị trường BĐS có thể phục hồi rõ rệt, bên cạnh những luồng vốn truyền thống, cần huy động được luồng vốn tiềm ẩn trong nguồn lực đất đai. Quan trọng hơn, để luồng vốn này phát huy hiệu quả, Nhà nước cần có những thể chế kinh tế, cũng như chính sách quản lý phù hợp.
Ông Trần Kim Chung cho rằng, một số yếu tố nội sinh sẽ được huy động cho thị trường BĐS bên cạnh sự ra đời của Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai hiệu quả cũng sẽ tạo ra một yếu tố hỗ trợ nguồn lực cho thị trường BĐS.
Đánh giá về Luật Đất đai năm 2013 (chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2014), ông Chung cho rằng, quan điểm của Hiến pháp năm 2013 đã được Luật thể hiện đầy đủ. Công tác quản lý đất đai tập trung chủ yếu vào việc quản lý quyền sử dụng đất, trên cơ sở khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện và thống nhất quản lý.
Ngoài ra, Luật cũng khẳng định được vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước; khẳng định việc thu hồi, giao, cho thuê đất được vận hành theo hướng Nhà nước sẽ thu hồi, giao đất cho các chủ thể kinh tế và các chủ thể kinh tế chỉ có quyền sử dụng đất.
Đòn bẩy phục hồi
Ông Chung nhận định, cần quy trình hóa công tác quản lý đất đai một cách minh bạch, nhằm hạn chế phát sinh những tranh chấp đất đai trong quá trình sử dụng. Trong quá trình quản lý, Nhà nước và các bên liên quan cần có sự nhất thể hóa hệ thống quy hoạch, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất.
Hiện nay, cơ chế thu hồi, giao đất vẫn tồn tại một số bất cập cần được hoàn thiện. Đặc biệt về vấn đề vốn hóa nguồn lực đất đai. Để hạn chế vấn đề này, đất đai phải được định giá, áp giá và đưa vào giao dịch trong xã hội dưới dạng tài sản ngay sau khi xác lập quyền sử dụng.
Ngoài ra, một trong những nội dung khó tách bạch, gắn liền với vốn hóa đất đai chính là việc nghiên cứu các chỉ số liên quan đến giá quyền sử dụng đất, giá BĐS và thị trường BĐS. Công việc này cần được triển khai đồng bộ và càng sớm càng tốt, nhằm mang lại lợi ích trong quản lý đất đai nói riêng và quản lý thị trường BĐS nói chung.
Để phát triển thị trường BĐS, quản lý đất đai là một vấn đề quan trọng cần được nhiều bên liên quan quan tâm. Làm tốt công tác này, thị trường BĐS sẽ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực hành chính, mà còn phát triển trong cả mảng kinh tế.
Là một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đất đai là sở hữu của toàn dân do Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý; kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo, các chủ thể chỉ có quyền sử dụng đất, công tác quản lý đất đai chỉ có thể tốt hơn, phục vụ phát triển nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng khi Việt Nam đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và rút ra những đặc thù phục vụ công tác này.