UBND Thành phố Hà Nội vừa chính thức phê duyệt mốc hành lang an toàn thoát lũ cho 3 tuyến sông quan trọng trên địa bàn thủ đô gồm: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống
UBND Thành phố Hà Nội vừa chính thức phê duyệt mốc hành lang an toàn thoát lũ cho 3 tuyến sông quan trọng trên địa bàn thủ đô gồm: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống
Dù là một quyết định chậm, nhưng vẫn có ý nghĩa rất quan trọng, khi mà quy hoạch chung thủ đô sắp được Thủ tướng phê duyệt. Bởi việc cắm mốc hành lang an toàn thoát lũ cho sông, đặc biệt là sông Hồng sớm được ngày nào, đồng nghĩa với việc quy hoạch thủ đô sẽ được bảo toàn đúng như trên thiết kế chừng ấy, giảm thiểu phần nào sự phức tạp trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Ở những đoạn bờ sông Hồng, cứ lâu lâu lại có một vụ sạt lở nhà xuống sông. Nhưng người dân tứ xứ vẫn đổ về mua đi bán lại, tiếp tục lấn chiếm và xây dựng trái phép. Vậy là nhà cửa cứ tràn mãi ra mép sông, chèn lên hành lang thoát lũ. Sau này, nếu có thực hiện theo quy hoạch thoát lũ, chạy lụt cho Thủ đô thì việc nạo vét, mở rộng lòng sông ở những nút thắt cổ chai xem ra là không dễ. Tất cả đều do việc chậm cắm mốc hành lang an toàn thoát lũ.
Dù Quy hoạch thoát lũ đã được HĐND TP.Hà Nội thông qua từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa cắm được một mốc giới nào.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng: “Từ thời điểm phê duyệt thoát lũ đến thời điểm hiện nay thì có thể gọi là chậm. Nhưng với khối lượng công việc rất đồ sộ, Ban quản lý đang tích cực triển khai vì từ mốc giới trên giấy, xác định trên thực tế là rất khó”.
Nhà nước chưa kịp xác định trên thực tế, thì người dân đã tự cắm mốc của mình bằng chính căn nhà của họ. Phá và xây vượt ra khỏi bức tường mà UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng năm 2002 nhằm tạm thời giữ vành đai thoát lũ cho sông Hồng đoạn qua địa bàn quận. Đục thủng từng đoạn tường và biến cả con đường dân sinh thay cho kè bờ sông thành đường giao thông và tập kết vật liệu xây nhà…
Điều đáng nói là, không có bàn tay quản lý của chính quyền địa phương, các bất động sản nằm trên hành lang thoát lũ sông này lại được mua đi bán lại nhiều lần, và phần thiệt thòi sẽ thuộc về những người thiếu thông tin.
Ông Nguyễn Văn Vị, Hàm Tử Quan, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phát biểu: “Tôi nghe là giải tỏa ở đây để làm đường thoát lũ sông Hồng cách đây 5-6 năm nay rồi. Người ta có biết là lấy đất để mà giải tỏa đâu”.
Theo quy hoạch thoát lũ mới được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, về cơ bản, mốc giới hành lang thoát lũ dọc sông Hồng đều trùng với hệ thống đê quai hoặc đường dân sinh hiện tại chạy dọc theo sông. Ít nhất 22 nghìn dân nằm ngoài các bãi sông như Thượng Cát, An Dương, Nhật Tân - Tứ Liên, Phúc Tân - Phúc Xá… sẽ phải di dời. Các bất động sản trong diện di dời hầu hết ở diện chưa có giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất vì lâu nay đã vi phạm hành lang an toàn thoát lũ.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, việc cắm được mốc giới hành lang an toàn thoát lũ công khai cho các sông, đặc biệt là sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội là việc làm càng sớm càng tốt. Vì số tiền tổng mức đầu tư cho quy hoạch thoát lũ gần 30 nghìn tỷ đồng, ước tính từ năm 2009 đến nay chắc chắn đã không còn phù hợp nếu nhìn vào tốc độ phát triển dân số và mật độ xây dựng ở các khu vực này.
Nếu không làm sớm, điều này đang vừa gây nhiễu loạn thị trường, lại vừa tạo nên tiền lệ không tốt trong công cuộc quy hoạch, kiến tạo Thủ đô.
(Theo VTV)