Không chỉ đón nhận dòng vốn ngoại mà hiện nay dòng vốn nội cũng đang chảy rất mạnh vào thị trường bất động sản (BĐS).
Giới chuyên gia địa ốc nhận định, thị trường BĐS hiện đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tại tất cả các phân khúc nhu cầu của khách hàng đều tăng mạnh. Thị trường vẫn tiếp tục phát triển từ nay đến cuối năm và trong vòng 2 năm nữa.
Về việc dòng tiền đang chảy mạnh vào BĐS, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital ông Andy Ho khẳng định, thị trường địa ốc Việt Nam đã thoát đáy một cách ngoạn mục và đang trong giai đoạn giữa của quá trình phục hồi. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, bên cạnh đó lạm phát kiềm giữ ở mức thấp sẽ là yếu tố lớn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực này.
Ông Andy Ho cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm đến những công ty BĐS đã niêm yết, với vốn hóa hơn 200 triệu USD. Lý do là, Chính phủ đã cho phép nới 'room' cho nhà đầu tư ngoại 100%, do đó trong thời gian tới sẽ thu hút nhiều nguồn lực tài chính nước ngoài.
Có cùng quan điểm trên, Giám đốc danh mục đầu tư của quỹ đầu tư Dragon Capital ông Vũ Hữu Điền cho hay, hiện nay nhà đầu tư ngoại quan tâm đến các công ty BĐS nội địa nào có quỹ đất sạch tốt tại các vị trí được hưởng lợi lớn từ hạ tầng giao thông, doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh cạnh tranh nhất, không những vậy dòng sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu thị trường và tốc độ hấp thụ nhanh…
Thời gian qua đã có hàng loạt thương vụ các 'ông lớn' nước ngoài đổ tiền vào các dự án BĐS tại Việt Nam, điển hình như quỹ Creed Group (Nhật) đã quyết định chi 200 triệu USD đầu tư vào Công ty BĐS An Gia (An Gia Investment); hay Warburg Pincus công bố đầu tư tiếp theo trị giá 100 triệu USD vào Vincom Retail; hoặc Keppel Land đầu tư 6,5 triệu USD vào Nam Long.... Gần đây nhất, vào cuối tháng 10 vừa qua, Quỹ đầu tư Singapore Genesis Global Capital cam kết đầu tư 300 triệu USD vào Phúc Khang.
Thị trường BĐS đã và đang hút mạnh dòng tiền trong và ngoài nước.
Không chỉ đón dòng vốn ngoại mà hiện tại dòng vốn nội cũng chảy rất mạnh vào lĩnh vực BĐS. Vừa qua, Ngân hàng Vietinbank đã ký kết thỏa thuận toàn diện với Nhà Khang Điền. Cụ thể, Vietinbank sẽ cung cấp cho Khang Điền là 900 tỷ đồng trong tổng số 1.300 tỷ đồng vốn đầu tư của toàn dự án Melosa Garden. Theo đó, nâng tổng giới hạn tín dụng mà VietinBank đã cấp cho Khang Điền cùng các đơn vị thành viên đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Vietinbank ông Nguyễn Văn Thắng, trong thời gian tới, định hướng của ngân hàng là tiếp tục chọn lựa và rót vốn tài trợ khoảng 20 nghìn tỷ đồng vào các dự án BĐS tại Tp.HCM trong đó có dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, Cầu Bình Triệu, Xa lộ Hà Nội, các Dự án Khu đô thị, Khu dân cư lớn của Novaland và Vingroup.
Thực tế cho thấy, đã có khá nhiều ngân hàng đang đổ vốn vào thị trường địa ốc. Ví dụ mới đây, Maritime Bank đã ký hết hợp tác tài trợ vốn và bảo lãnh cho Dự án Grand Riverside; ACB, hoặc HDBank và OCB cùng tham gia bảo lãnh cho khách hàng mua nhà tại Dự án Jamona City, HDBank với Dự án Celadon City, Techcombank tại Dự án Park Hill,...
Vừa qua, Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Hưng Lộc Phát đã ký kết hợp đồng bảo lãnh cho vay với 2 Ngân hàng Vietinbank và VPBank tại dự án Hưng Phát Silver Star (đường Nguyễn Hữu Thọ, Phước Kiển, Nhà Bè, Tp.HCM). Hoặc Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã kí kết bảo lãnh và cho vay dự án Diamond Lotus của Tập Đoàn Phúc Khang.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, tín dụng BĐS tăng 13% tính đến đầu tháng 9/2015. Bộ Xây dựng ước tính, tín dụng BĐS năm nay có thể tăng 15% với quy mô ước đạt tầm 340 nghìn tỷ đồng. Như vậy, hiện tại dòng vốn từ ngân hàng đang đổ dồn vào lĩnh vực địa ốc, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.