Các chuyên gia nhận định, mỗi năm TP Hà Nội chỉ nên cấp từ 3 - 3,5 triệu m2 sàn nhà ở phát triển mới theo dự án bởi bởi thực tế trên thị trường hiện nay, nguồn cung đang vượt cầu khoảng 20%.
Sáng ngày 23/12/2017 vừa qua, dưới sự bảo trợ của UBND TP. Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế – xã hội phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội”. Chương trình diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, số 01, Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội với nhiều thông tin đáng chú ý.
Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia nhận định, số liệu thống kê những năm qua cho thấy diện tích nhà ở khu vực đô thị tại TP. Hà Nội đang chiếm khoảng 50 - 60%, trong đó diện tích nhà ở phát triển mới theo hình thực dự án tại khu vực đô thị chiếm khoảng 60%, đường cung lớn hơn đường cầu khoảng 20% nhằm mục tiêu dành lợi thế cho người mua, đảm bảo tập trung nguồn lực nhà nước và nguồn lực xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, không tạo ra khủng hoảng thừa. Theo đó, mỗi năm TP. Hà Nội chỉ nên cấp từ 3 - 3,5 triệu m2 sàn nhà ở phát triển mới theo dự án.
|
Nguồn cung bất động sản Hà Nội đang lớn hơn cầu 20% |
Nhận định về vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian qua thị trường bất động sản Hà Nội cũng bộc lộ những yếu kém, phát triển không ổn định và thiếu lành mạnh. Có những giai đoạn, thị trường bất động sản Hà Nội phát triển quá nóng, nhiều dự án phát triển bất động sản được cấp phép không có kế hoạch, không phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường, không căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị; hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đủ năng lực và kinh nghiệm vẫn tham gia đầu tư bất động sản. Điều này dẫn tới tình trạng lệch pha cung cầu, gia tăng lượng hàng tồn kho khiến cho nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án hoặc tuyên bố phá sản.
Ông Hà khẳng định: "Người mua nhà cũng gặp khó khăn do chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng hạn, tại nhiều dự án đã xảy ra tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư dự án, nhiều vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người mua. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng giao thông, cấp thoát nước còn diễn ra phổ biến".
Qua phân tích thực trạng thị trường bất động sản tại Hà Nội, ông Hà đề ra 3 giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong thời gian tới như:
Hạn chế phát triển các khu nhà mới tại các quận nội thành; phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hạt nhân với quy mô 500, 600 ha trở lên theo quy hoạch hiện đại, thông minh; lựa chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển đô thị và tiềm lực tài chính đủ mạnh.
Về quản lý tài chính đô thị, ông Hà cho rằng, tiền sử dụng đất và các loại thuế thu được của khu đô thị phả được dùng để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật của chính khu đô thị đấy. Từ đó hình thành nên cơ chế tự chủ để chủ đầu tư tạo dựng các khu đô thị đồng bộ.
Cuối cùng, công tác đấu thầu các dự án phải được tiến hành nghiêm túc, minh bạch công khai nhằm thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực.