Nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán rẻ hơn so với giá mua từ 2-3 năm trước nhưng rao mãi cũng chẳng tìm được người mua...
Nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán rẻ hơn so với giá mua từ 2-3 năm trước nhưng rao mãi cũng chẳng tìm được người mua...
Khác với thời kỳ sôi động những năm trước, thị trường đất nền tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... gần đây đang chứng kiến nhiều đợt xả hàng cắt lỗ, trước sức ép lãi vay và cạn vốn. Mặc dù giá xuống thê thảm nhưng có rất ít giao dịch thành công trên thị trường này.
Rớt giá không phanh
Đầu tháng 6/2011, đi tìm mua đất nền tại dự án Gia Hòa (quận 9, TP.HCM), một trong những dự án từng một thời là “hàng nóng” được giới kinh doanh địa ốc săn lùng, chúng tôi được anh Thanh - nhân viên môi giới nhà đất tại khu vực này - nhiệt tình giới thiệu từng lô đất.
Theo lời anh Thanh, hiện giá đất nền tại dự án này chỉ dao động ở mức 15-16 triệu đồng/m2, giảm mạnh so với mức giá 18-22 triệu đồng/m2 vào cuối năm ngoái. Thậm chí, với một lô hàng bị “ngộp” do nhà đầu tư kẹt tiền, giá bán chỉ 14,5-14,7 triệu đồng/m2 đối với các lô biệt thự.
“Chỉ ở thời điểm này mới có giá khá mềm như vậy, chứ vài ba năm trước dù có tiền muốn mua một nền ở vị trí đẹp cũng khó tìm được người bán” - anh Thanh nói. Không chỉ dự án Gia Hòa, giá đất nền tại hàng loạt dự án nằm trong khu vực quận 9, một trong những khu vực từng một thời là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động “lướt sóng” như Trí Kiệt, Nam Long, Khang Điền, Phú Nhuận, Bắc Rạch Chiếc, Trường Thạnh, Thiên Lý..., đều giảm giá mạnh trong thời gian gần đây.
Tương tự, các dự án tại khu vực quận 2 như Thạnh Mỹ Lợi, Huy Hoàng... đều giảm từ 1-2 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó tại khu vực Bình Chánh, nhiều dự án giá giao dịch trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) thậm chí còn thấp hơn giá chào bán của chủ đầu tư! Mặc dù rớt giá nhưng giao dịch ở hầu hết các dự án đều khá ảm đạm.
Anh Vỹ, một nhà đầu tư bất động sản (BĐS), cho biết hơn một tháng nay dù liên tục đăng quảng cáo và ký gửi cho các sàn BĐS bán lại một nền đất tại dự án khu dân cư Khang An (quận 9) nhưng anh vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của khách hàng, trừ những cuộc điện thoại từ các “chợ” địa ốc online.
Theo anh Vỹ, lô đất này (diện tích 6x24m) được anh mua lại cách nay hơn một năm với giá 12,7 triệu đồng/m2. Nay để cắt lỗ, anh Vỹ liên tục hạ giá xuống còn 11,5 triệu đồng/m2 nhưng cơ hội tìm được người mua ngày càng thấp.
Tương tự, anh Bình mua hai nền đất tại dự án Phong Phú 4 (huyện Bình Chánh), diện tích mỗi lô 6x20m với giá gốc 12,8 triệu đồng/m2.
Đầu tháng 5/2011, anh Bình ký gửi cho một sàn BĐS bán lại bằng giá gốc và sau đó kêu giá chuyển nhượng chỉ 11,5 triệu đồng/m2, thế nhưng chờ mãi chẳng thấy thông tin gì từ phía sàn BĐS cũng như phản hồi của khách hàng.
“Một số nhà đầu tư khác mới đây còn rao bán lại với giá chỉ 10,8 triệu đồng/m2, giảm 2 triệu đồng/m2 so với giá gốc mà vẫn không tìm được người mua” - anh Bình than thở.
“Lâm nạn” vì lướt sóng
Nhiều nhà đầu tư BĐS thừa nhận trong thời điểm hiện nay, khi tín dụng BĐS đang bị siết chặt và lãi suất ngân hàng quá cao, việc dồn một khoản tiền lớn vào địa ốc không phải là lựa chọn tốt nhất của những người đang có tiền mặt.
“Dù giá cả giảm mạnh nhưng sản phẩm BĐS lại có giá trị khá lớn, một lô đất ở những dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng thấp nhất cũng từ 1,5-2 tỉ đồng, chưa kể tiền xây nhà theo yêu cầu của chủ đầu tư, nên không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để tham gia” - anh Hưng, một nhà đầu tư từng lăn lộn nhiều năm trên thị trường BĐS, nói.
Hơn nữa, cơ hội kiếm được lợi nhuận cao từ địa ốc ngày càng ít cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà đối với việc đổ cả đống tiền vào các dự án đất nền.
Anh Hưng cho biết đất nền tại hàng loạt dự án trên địa bàn TP.HCM đã đứng giá trong suốt ba năm nay, thậm chí nhiều người phải bán cắt lỗ với giá thấp hơn giá mua vào.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia, ngoài yếu tố lãi suất cao và tín dụng BĐS đang bị “khóa van”, sự ảm đạm và rớt giá của thị trường đất nền trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây là hậu quả của hoạt động đầu cơ lướt sóng của nhiều nhà đầu tư.
“Trong khi khả năng tài chính chỉ có một nhưng không ít người lại đầu tư gấp 5-7 lần theo kiểu “giật gấu vá vai”, trong đó chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Khi thị trường BĐS khủng hoảng kéo dài nhiều năm, áp lực trả lãi vay và nợ gốc buộc nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ” - ông Nguyễn Xuân Lộc, tổng giám đốc sàn BĐS Techcomreal, nói.
Ông Lộc nêu ví dụ về một nhà đầu tư chỉ có chưa tới 800 triệu đồng nhưng đã đăng ký mua đến hai nền đất tại một dự án lên tới 4,6 tỉ đồng với kỳ vọng lướt sóng kiếm chênh lệch. Nhưng sau khi góp được 40%, trong đó hơn một nửa là vốn vay, nhà đầu tư này vẫn ôm sản phẩm hơn hai năm nay mà chưa bán được hàng.
Đồng Nai: rêu phong phủ kín
Thị trường đất nền tại khu đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) một thời sôi động khiến nhiều người đổ xô, bỏ tiền mua đất, thế nhưng hiện nay nhiều dự án vẫn chỉ là những đám cỏ mọc um tùm.
Trên con đường số 1 ở khu đô thị mới kéo dài khoảng 8km từ trung tâm huyện về khu dân cư Long Thọ - Phước An, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn lô đất được cắm cọc, chia lô chạy dọc hai bên đường nằm án binh bất động. Nhiều điểm môi giới bất động sản đã đóng cửa hoặc các giao dịch đã lắng xuống. Ông Ba Bằng, một người môi giới nhà đất nhiều năm ở khu dân cư Long Thọ - Phước An, cho biết: “Cách đây hai năm một ngày có khoảng năm người đến hỏi mua đất nền thì nay phải một tháng mới có số người như vậy hỏi mua”.
Ông Bằng nói thời điểm sốt đất trước đây, vị trí đẹp ở khu dân cư này khoảng 6 triệu đồng/m2 nhưng nay rao bán 3,8 triệu đồng/m2 cũng hiếm người mua. Dân mua đất nền để ở thật sự thì ít mà dân kinh doanh bất động sản mua đi bán lại thì nhiều, khi tài chính khó khăn, giá đất rơi xuống nên nhiều người đã méo mặt khi ôm đất không bán được, phải bỏ đó. “Lãi suất tiền gửi ngân hàng cao nên giờ dân mua bán không dại gì đổ vốn vào chuyện mua nền, mua nhà vào lúc này. Thậm chí lúc này có vị trí đất nền chỉ còn 2-2,2 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có người mua” - ông Bằng tâm sự.
Huyện Nhơn Trạch cho hay dự án khu dân cư Long Thọ - Phước An do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư trên 200ha. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đầu tư vào khu đô thị mới. Sau một thời gian, HUD đã chia trên 4.700 lô để làm nhà biệt thự, nhà vườn, nhà liên kế... Ông Nguyễn Hữu Thành, phó Phòng quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, nói: “HUD vào đây đầu tư trước khi Luật đất đai 2003 ra đời, được phép bán nền nhưng hiện nay người mua xây dựng ít và nhiều nơi bỏ hoang”.
Theo ghi nhận, tại khu đô thị mới Nhơn Trạch có nhiều dự án dù được chủ đầu tư kéo cột điện, trồng cây xanh trên phần đất dự án nhưng đa số chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm với nhiều cột mốc chia lô. Thậm chí có những khu đất bỏ hoang đến mức người ta có thể thả cả đàn trâu vào gặm cỏ. Theo Phòng quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, đã có hơn 80 dự án nhà ở đầu tư vào khu đô thị mới. Hiện những dự án nhà ở, đất nền đã đầu tư nhưng có nơi còn thiếu trường học, chợ, bệnh viện nên những người mua có tâm lý e ngại chưa chịu ở và tình trạng đất nền, nhà thô bán qua bán lại vẫn còn “nằm ì” nhiều nơi. Vì vậy huyện đang rà soát tất cả các dự án, nếu dự án nào triển khai không hiệu quả huyện sẽ xử phạt và kiến nghị thu hồi.
Bình Dương: đô thị thành đất hoang
Chịu tác động chung của nền kinh tế, trong vài tháng qua thị trường bất động sản tại Bình Dương khá im ắng. Anh Nguyễn Văn Minh, giám đốc một công ty chuyên môi giới bất động sản, cho hay: “Công ty đang có trong tay hơn mười dự án với hàng trăm nền đất nhưng bán rất chậm. Trong hai tuần qua cũng có khách đến hỏi nhưng không có giao dịch nào thành công”.
Trong khi đó anh Nguyễn Thành Tâm, chuyên môi giới nhà đất ngoài dự án ở khu Mỹ Phước, cho rằng: “Trong tháng qua hơn 50 khách hàng đã nhờ bán nền đất ở khu vực Mỹ Phước, rồi khu thành phố mới, khu giáp ranh thị xã Thủ Dầu Một... nhưng đến nay chúng tôi chưa bán được nền nào. Phải nói thật nền đất lớn, nền dự án có quy mô thì bán rất khó, có khách hỏi nhưng chẳng mấy ai trả giá. Song ở các nền nhà nhỏ lẻ, có giá thấp thì giao dịch lai rai.
Những nền dạng này có mức giá khoảng 1 triệu đồng/m2 được nhiều người quan tâm, nhất là người thu nhập thấp và trung bình. Trung bình mỗi lô đất này dao động từ 150-200 triệu đồng”. Anh Tâm nói thêm: “Hiện hàng loạt nền đất đầu tư xong giờ bỏ không, không xây dựng mà cũng không sang nhượng được. Không ít công ty bất động sản rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Tuần qua tôi nói với khách hàng giảm giá thêm 10% nhưng vẫn không có giao dịch. Đi vào một số khu Mỹ Phước thì biết nhiều dự án dang dở, xây thô cũng không có người mua. Không ít nơi trở thành bãi đất hoang”.
|
(Theo TTO)