Nguồn cung bất động sản (BĐS) tăng nhưng sức tiêu thụ giảm đang tạo nên nhiều áp lực, đè nặng thị trường Tp.HCM.
Ngày 16/8 vừa qua, tại hội thảo Giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS cuối năm 2017, TS. Đinh Thế Hiển đã đưa ra nhiều dự báo thận trọng trong các tháng còn lại của năm. Chuyên gia này cho rằng, thị trường BĐS đang tiềm ẩn khá nhiều dấu hiệu đáng quan ngại.
Thứ nhất: Nguồn cung căn hộ trong 6 tháng đầu năm đã tương đương so với cùng kỳ năm 2016 và vẫn đang diễn ra xu hướng cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, lượng tiêu thụ của 6 tháng này lại sụt giảm so với năm ngoái, khiến lượng hàng tồn kho tăng cao. Sự giảm tốc này chính là dấu hiệu đầu tiên cho sự bất ổn.
Thứ hai: Ông Hiển dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 5/2017, theo đó thu nhập bình quân và năng suất lao động thấp cũng sẽ làm hạn chế nhóm khách hàng mua nhà để ở tại Tp.HCM, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa vẫn diễn ra mạnh mẽ. Đây là thách thức lớn cho đô thị hơn 10 triệu dân này.
Thứ ba: Chuyên gia này cũng tiếp tục dẫn nguồn thông tin từ báo cáo của IMF, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang diễn ra rất nhanh nhưng tốc độ phát triển của nền kinh tế không tương xứng, khiến cho hiệu quả tín dụng và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đã xấu đi.
Thứ tư: Nguồn vốn vay dành cho BĐS có thể gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tín dụng sẽ được áp dụng.
Thị trường BĐS Tp.HCM đang có những dấu hiệu đáng quan ngại.
Ảnh: Lucas Nguyễn
Thứ năm: Giá BĐS tại Tp.HCM trong giai đoạn 2015-2017 đã tăng khá cao và điều này có thể sẽ là rào cản cho khả năng tăng giá trong thời gian tới.
Thứ sáu: Nhiều dự án căn hộ cao cấp trên địa bàn Tp.HCM đã đi vào giai đoạn giao nhà, áp lực cho thuê và thoát hàng ngày càng lớn. Thị trường căn hộ cao cấp phải đối mặt với kịch bản giảm tốc, trừ phân khúc căn hộ trung cấp trở xuống.
Thứ bảy: Căn hộ giá rẻ, bình dân hiện vẫn là phân khúc có nhu cầu lớn nhất tại Tp.HCM, tính đến cuối năm 2017 và một vài năm tới. Tuy nhiên, nếu vị trí và hạ tầng quá kém thì sẽ rất khó sinh lợi cho nhà đầu tư và chủ đầu tư cũng không dễ bán hàng.
Thứ tám: Phân khúc đất nền có thể bị chững lại khi nhà đầu tư khó tìm được khả năng khai thác trong tương lai gần. Đặc biệt, nếu dòng vốn lớn đổ vào phân khúc này có sử dụng đòn bẩy tài chính thì sẽ dẫn đến mất an toàn cho suất đầu tư.
Thứ chín: BĐS nghỉ dưỡng lân cận Tp.HCM và các thành phố biển sẽ gặp khó khăn bởi áp lực cạnh tranh quá lớn và cuộc đua thoát hàng sẽ diễn ra rất khốc liệt.
Bên cạnh góc nhìn đầy thận trọng của chuyên gia Đinh Thế Hiển, Luật sư Bùi Quang Tín cũng chỉ ra những điểm lạc quan của thị trường BĐS Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo ông Tín, trong năm 2017, lãi suất tín dụng tại Việt Nam đang trên đà giảm và có xu hướng ngày càng điều chỉnh đi xuống trong những năm tới, hòa chung với mặt bằng lãi suất của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đây là một điều kiện thuận lợi, sẽ tác động trực tiếp đến thị trường nhà đất. Bởi lẽ, hiện nay trên 50% vốn mua, đầu tư BĐS có nguồn gốc vay từ ngân hàng. Điểm tích cực nhất có thể thấy là cơ hội để người mua nhà và cả các đơn vị phát triển dự án có thể tiếp cận vốn rẻ hơn trước.