Trong suốt hơn 2 tháng qua, cùng với giá vàng liên tục biến động, thị
trường Bất Động Sản (BĐS) đóng băng, khiến lượng giao dịch thưa vắng.
Nhiều trung tâm môi giới BĐS nhỏ lẻ tại Đà Nẵng đã phải đóng cửa, nhiều
sàn giao dịch BĐS chỉ hoạt động cầm chừng.
Trong suốt hơn 2 tháng qua, cùng với giá vàng liên tục biến động, thị trường Bất Động Sản (BĐS) đóng băng, khiến lượng giao dịch thưa vắng. Nhiều trung tâm môi giới BĐS nhỏ lẻ tại Đà Nẵng đã phải đóng cửa, nhiều sàn giao dịch BĐS chỉ hoạt động cầm chừng.
Nhà môi giới nhỏ đóng cửa
Thời điểm này cách đây hơn một năm, khi thị trường nhà đất tại các khu vực ven biển, gần dự án các khu đô thị mới, các trung tâm hành chính… ở địa bàn quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… sôi động thì các văn phòng giao dịch, trung tâm môi giới nhà đất mọc lên như nấm sau mưa, tấp nập người mua, kẻ bán. Nhưng đến thời điểm này, khi thị trường BĐS “đóng băng”, lượng giao dịch giảm sút thì nhiều trung tâm BĐS đã phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng.
Theo khảo sát của chúng tôi trong vài ngày qua, nhiều trung tâm môi giới nhà đất trên các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng (Liên Chiểu), Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà), Lê Văn Hiến (Ngũ Hành Sơn)… “cửa đóng, then cài”. Một vài trung tâm có mở cửa, song cũng rất ít khách đến giao dịch.
Ghé vào Trung tâm giao dịch BĐS T. khá khang trang trên đường Lê Văn Hiến, chỉ có một người đàn ông trung tuổi bước ra, mới nhìn thấy khách đã vội nói: “Giám đốc đi vắng, mấy anh cần giao dịch thì vui lòng gọi cho số điện của giám đốc đã để trên bàn”.
Bà Lê Thị Nhạn, Giám đốc Trung tâm giao dịch BĐS Thịnh Phát (đường Lê Văn Hiến) cho hay, so với thời điểm này năm trước, số lượng khách hàng giao dịch giảm tới hơn 80%, thi thoảng có người tới hỏi, nhưng chỉ đi xem giá tham khảo chứ không giao dịch.
Theo bà Nhạn, giá đất dự án tại hầu hết các khu vực trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn hiện nay đang giảm, trong đó khu vực đất gần ven biển được coi là giảm không đáng kể nhưng cũng thấp hơn khoảng 50 triệu/nền. Còn đất tại nhiều khu vực vốn được coi là “sốt” như gần Trung tâm hành chính quận, khu vực Làng Đại học… cũng đều giảm từ 120-150 triệu đồng/lô.
“Do năm trước có đợt “sốt” đất ảo, các nhà đầu tư “lướt sóng” giao dịch nhiều nên thị trường sôi nổi. Còn năm nay, dù giá đất giảm mạnh nhưng giao dịch thưa thớt nên nhiều trung tâm đều hoạt động theo kiểu cầm chừng. Riêng chúng tôi có 3 trung tâm thì cả 3 đều giao dịch theo kiểu 1 ngày mở, 2 ngày đóng”, bà Nhạn nói.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Địa ốc Yên Hưng (đường Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu) cho hay, hơn hai tháng qua, công ty không có được một giao dịch nào. Theo lý giải của ông Tiến, một phần do lãi suất ngân hàng quá cao, hơn nữa giá vàng cũng tăng vọt nên hầu hết những ai có tiền đều đổ xô vào vàng khiến thị trường BĐS ế ẩm. "Công ty vẫn mở cửa và hoạt động nhưng cũng là cầm chừng. Cũng có số ít đến giao dịch song cũng chỉ là khảo sát giá theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" rồi cũng...đi luôn ", ông Dũng nói.
Trung tâm lớn giao dịch cầm chừng
Ông Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Công chứng viên, Phòng Công chứng số 3 (trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn) cũng tỏ ra bất ngờ vì thị trường BĐS ảm đạm như vậy. “Năm 2008 được coi là thời điểm BĐS tại Đà Nẵng “đóng băng” lâu nhất, nhưng cũng chưa tới mức tồi tệ như năm nay”, ông Khánh nhận định.
Theo ông Khánh, thời điểm tháng 8-2010 (thời kỳ nhà đất lên cơn sốt), chỉ riêng Phòng công chứng số 3 đã giải quyết cho 380 hợp đồng thế chấp; 590 hợp đồng mua bán và 349 hợp đồng ủy quyền về BĐS. Nhưng tháng 8-2011, số lượng giảm trông thấy: 268 hợp đồng thế chấp; 187 hợp đồng mua bán và chỉ 70 hợp đồng ủy quyền BĐS.
“Khi BĐS “sốt” thì nhà đầu tư cũng lao vào kiếm lời nên giao dịch nhiều. Còn tình trạng ảm đạm như hiện nay thì ngay cả người có nhu cầu mua thực sự cũng ít chứ nói gì đến nhà đầu tư “lướt sóng”. Bởi các nhà đầu tư đều phải vay tiền ngân hàng, mà BĐS “đóng băng”, lãi suất ngân hàng cao, họ muốn đầu tư BĐS cũng phải rất dè chừng”, ông Khánh phân tích.
Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS, Công ty cổ phần tập đoàn Cường Hưng Thịnh, thời gian qua, lượng giao dịch BĐS (người quan tâm hỏi thông tin tìm hiểu, nhà đầu tư, nhu cầu tìm kiếm…) tại sàn giảm sút rất nhiều so với lúc thị trường hoạt động bình thường.
“Trong quý 1 và nửa đầu quý 2/2011, công ty chúng tôi thực hiện từ 80 đến 95 giao dịch/tháng, nhưng trong tháng 8 vừa qua chỉ có 12 giao dịch. Giao dịch trở nên trầm lắng, sàn cũng phải thu hẹp hoạt động, đồng thời cân đối lại các khoản đầu tư, chi phí. Công ty có hai trụ sở với tổng số 28 cán bộ, công nhân viên, nhưng vừa qua đã phải cắt giảm bớt 6 nhân sự sang các lĩnh vực hoạt động khác”, ông Hiệp cho biết.
Nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” do không đủ năng lực nên phải tìm cách bán tháo , chấp nhận lỗ so với giá mua vào. Nếu ai chịu khó truy tìm đúng lúc các nhà đầu tư này cần bán ra thì sẽ mua được với giá tốt
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Sàn giao dịch BĐS Thiên Kim. Ông Đinh Ngọc Sinh, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Thiên Kim cho biết, từ tháng 4-2011 trở về trước, mỗi tháng cũng có khoảng 100 giao dịch, nhưng cộng cả 4 tháng vừa qua, tại Sàn mới có 30 giao dịch.
Thị trường BĐS Đà Nẵng "đóng băng" liệu giá BĐS có giảm? Ông Hiệp cho rằng: các nhà đầu tư BĐS theo kiểu “lướt sóng” (chủ yếu từ Hà Nội) do không đủ năng lực nên phải tìm cách bán nhanh thu hồi vốn, chấp nhận lỗ so với giá mua vào, chấp nhận lỗ tiền đặt cọc nên phần nào cũng gây ảnh hưởng và gây “nhiễu” cho giá chung, chứ thực ra giá vẫn không giảm nhiều. Tuy nhiên, nếu ai chịu khó truy tìm đúng lúc các nhà đầu tư này cần bán ra thì sẽ mua được với giá tốt.
“Sắp tới ngân hàng có chính sách giảm lãi suất cho vay, các khách hàng có nhu cầu nhà ở thực sự như công nhân, viên chức….có thể dễ hơn trong việc vay vốn nhiều thì hy vọng thị trường BĐS sẽ ấm trở lại”, ông Hiệp nói.
(Theo báo Đà Nẵng)