Từng là một trong những thành phố có lượng khách du lịch quốc tế đông đảo nhưng liên tục trong hai quý gần đây, lượng khách quốc tế đến Tp.HCM ngày càng ít đi điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn tại thị trường này.
Trong quý II-2014, Việt Nam đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, con số này đã tăng thêm 13% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên lượt khách đến Tp.HCM lại giảm xuống 3% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 830.000 lượt khách. Lượng khách quốc tế đến thành phố giảm gấy ảnh hưởng đến tình hình hoạt động chung của phân khúc khách sạn 4 và 5 sao.
Theo báo cáo từ Savills, vì là mùa thấp điểm nên công suất thuê trung bình chỉ đạt 61%, giảm mạnh 13% so với quý trước. Loạt hình giảm mạnh nhất là phân khúc khách sạn 4-5 sao. Nguồn cung của phân khúc 5 sao trong quý II là 5000 phòng nhưng công suất thuê chỉ được 1200 phòng.
Tình hình giá thuê cũng không lấy gì làm khả quan. Giá thuê phòng trung bình của các khách sạn 5 sao giảm từ 1,9tr/phòng/đêm xuống còn 1,7tr/phòng/đêm, giảm 9% so với quý I và 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê khách sạn 4 sao giảm mạnh nhất với mức giảm từ 1,4tr/phòng/đêm xuống còn 900 nghìn/phòng/đêm. Giá thuê các khách sạn 4-5 sao đã liên tục giảm trong suốt 2 quý liên tiếp. Giá thuê trung bình của các khách sạn thuộc khu vực trung tâm là 1,2tr/phòng/đêm, cao hơn các khách sạn ngoài trung tâm 58% nhưng lại thấp hơn giá thuê quý trước đến 6%. Giá thuê khách sạn khu vực ngoài trung tâm tuy không so được với vùng trung tâm nhưng theo ghi nhân đã tăng 13% và công suất thuê cũng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối tượng khách thuê chính của loại hình khách sạn 4-5 sao chủ yếu là người nước ngoài mà 70% là từ du khách do đó trong hai quý còn lại của năm 2014, phân khúc này khó mà phục hồi nhất là vào những tháng cuối năm khi mà lượng khách quốc tế và nội địa đều hướng về các trung tâm du lịch lớn như Phú Quốc, Nha Trang…
Loại hình khách sạn 3 sao được ghi nhận là hoạt động ổn định nhất trong hai quý vừa qua dù giá thuê có giảm. Khách sạn 3 sao có công suất thuê đạt gần 65% cao hơn so với hai loại hình còn lại. Nguyên nhân chính là do loại hình 3 sao chủ yếu hướng đến khách du lịch nội địa nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ những biến động của tình hình biển đông và áp lực cạnh tranh với các thị trường du lịch khác.
Đánh giá nguyên nhân khiến thị trường khách sạn Tp.HCM hoạt động kém hiệu quả liên tiếp trong hai quý, ông Trương An Dương, Giám tư vấn kinh doanh của Savills nhận định, ngoài việc suy giảm lương khách quốc tế do ảnh hưởng tình hình biển đông (lượng khách Trung Quốc đến thành phố giảm 80%), Tp.HCM là trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam với hơn 33% tổng số doanh nghiệp đặt tại đây, do đó một lượng khách hàng không nhỏ của thành phố đến từ các đối tượng người nước ngoài đi công tác hay làm việc ngắn hạn tại Tp.HCM. Gần đây lượng khách quốc tế đến thành phố làm việc cũng giảm khá nhiều do kinh tế khó khăn cộng thêm Tp.HCM còn phải chia sẽ một lượng khách khá lớn với các địa điểm đang nổi du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… nên hoạt động kinh doanh của khối khách sạn khó giữ được phong độ trước đây.
Trong 6 tháng cuối năm, Tp.HCM sẽ đón thêm 1 khách sạn 4 sao, cung cấp gần 100 phòng mới cho thị trường nâng tổng nguồn cung khách sạn của thành phố nên 12800 phòng. So với tốc độ phát triển 11% của năm 2013, con số 2% của năm nay còn khá khiêm tốn . Tuy nhiên sức ép cạnh tranh vẫn mạnh khi mà theo dự đoán của Batđongsan.com.vn, lượng người nước ngoài làm việc tại Tp.HCM thời gian tới tiếp tục biến động do nhưng chính sách lao động mới của chính phủ. 3 năm tới, thành phố sẽ đón thêm 9 dự án khách sạn mới với khoảng 1400 phòng, Tp.HCM muốn khôi phục phong độ cho thị trường kinh doanh khách sạn, trước hết cần làm mới mình và nâng cao sức cạnh tranh, thu hút du dịch mới mong đối đầu với các thị trường du lịch tiềm năng khác của cả nước.
Phương Uyên