Liên tiếp các vụ báo tháo dự án cùng với giảm giá khuyến mãi
để thu hút người mua, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng khó khăn
nhất. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây sẽ là những dấu hiệu tích cực
cho thị trường.
>
Đầu tư bất động sản: “Thèm cuộc sống không nợ nần”
>
Đại hạ giá BĐS: Lo ngại hiệu ứng domino
Liên tiếp các vụ báo tháo dự án cùng với giảm giá khuyến mãi để thu hút người mua, thị trường bất động sản đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây sẽ là những dấu hiệu tích cực cho thị trường.
Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí vừa có thông báo sự kiện bất thường giảm giá bán 85 căn hộ dự án Petro Vietnam Landmark từ 21,36 triệu đồng mỗi m2, xuống còn thấp nhất 15,5 triệu đồng mỗi m2. Khi áp dụng giá mới đã được hội đồng quản trị phê duyệt thì sau khi bán hết số căn hộ trên, số lỗ dự kiến cùa công ty vào khoảng 70 tỷ đồng.
Để đầu tư cho dự án Petro Vietnam Landmark, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí đã vay Ngân hàng Liên Việt (đã đổi tên thành Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) 100 tỷ đồng, hạn trả nợ ngày 23/11. Đến hạn trả nợ lãi suất sẽ tăng 25% mỗi năm, phạt quá hạn 150% tương đương lãi suất 35% mỗi năm và lãi gộp công ty phải thanh toán khoảng 40% mỗi năm. Nếu không thu xếp được dòng tài chính, công ty sẽ không đủ khả năng thanh toán khoản vay 100 tỷ đồng cho Ngân hàng Liên Việt đúng hạn và do đó sẽ làm tê liệt quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngay sau đó, Công ty Sài Gòn Mekong lại gây sốc đưa giá 500 căn hộ dự án An Tiến tại xã Phước Kiểng, Nhà Bè, TP HCM từ 18 triệu đồng mỗi m2 xuống còn 14,5 triệu. Với giá bán mới 14,5 triệu đồng mỗi m2, dự án An Tiến đang bỏ xa giá bán của nhiều chung cư khác tại huyện Nhà Bè nói riêng và khu Nam TP HCM nói chung với khoảng cách 5 triệu đồng mỗi m2.
Còn đối với dự án PetroVietnam Landmark, giá bán chỉ còn một nửa so với hàng loạt dự án lân cận thuộc khu Đông TP HCM.
Tín hiệu tốt cho thị trường
Giảm giá liên tiếp của thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia lo ngại động thái này sẽ gây sốc ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư mua trước đó. Số lạc quan cho rằng, đại hạ giá là chiêu thức để cắt lỗ và kích cầu.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không nên quá bất ngờ về các tuyên bố này, bởi nếu các doanh nghiệp không nhanh chân hạ giá sớm, nhiều khả năng sang năm 2012, giá bán bất động sản chỉ còn một nửa!
TS Phạm Sỹ Liêm đã thẳng thắn cho rằng, giá BĐS đáng lẽ phải hạ từ sớm, chứ không phải đợi đến bây giờ mới hạ. “Tôi cho rằng, đây mới chỉ là sự khởi đầu, từ nay đến cuối năm và sang đến cả năm 2012, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải hạ giá bất động sản nữa nếu muốn tồn tại”, TS Liêm nhận định.
Ông Liêm so sánh, ở Mỹ từ cách đây vài năm, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã chấp nhận cắt lỗ, giảm giá đến 50% thì việc các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước sức ép trả nợ ngân hàng, buộc phải giảm giá cũng là dễ hiểu.
Đồng quan điểm, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, bong bóng bất động sản đang xì hơi và giá BĐS đang trở về với giá trị thực. Sau PVL, chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp phải giảm giá nhà đất. Việc này sẽ giúp thị trường BĐS dần ổn định.
Theo ông Võ, đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, theo đúng quy luật của thị trường. Một thời gian dài, doanh nghiệp đã kiếm lợi nhuận lớn, thì việc giảm lãi, thậm chí có bán hòa vốn một phần dự án cũng là việc bình thường, chấp nhận được.
Ông Võ cũng đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư bất động sản phải chủ động tìm giải pháp cho mình, không nên có ý thức bị động bắt Nhà nước phải can thiệp.
Việc nhiều nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang khu vực đang có nhu cầu thực có khả năng thanh toán (xây nhà ở chung cư tư nhân); hay giảm mạnh giá bán như PVL để thu hồi vốn tìm kiếm hướng đầu tư mới.. là một hướng đi đúng và là một quá trình tất yếu để hướng tới một thị trường lành mạnh hơn, giá cả hợp lý hơn và người tham gia chuyên nghiệp hơn.
(Tổng hợp)