Mở bán rầm rộ khi chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa nộp tiền sử dụng đất, thậm chí còn chưa được giao đất… Đó là thực trạng của nhiều dự án đất nền tại TP.HCM và vùng phụ cận, đang khiến hàng trăm khách hàng phải khóc ròng.
Dự án Thiên Phúc Hoàng Gia dù chưa có đầy đủ pháp lý vẫn rầm rộ mở bán.
Ảnh: Gia Huy
Siêu dự án “bánh vẽ”
Từ cuối năm 2016, thị trường bất động sản đất nền khu Tây Bắc TP.HCM xuất hiện một dự án được giới thiệu là siêu cao cấp mang tên Thiên Phúc Hoàng Gia do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Phúc làm chủ đầu tư tại Ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Dự án này được chủ đầu tư giới thiệu xây dựng trên diện tích 43.784 m2.
Chủ đầu tư mở bán với giá 750 triệu đồng cho nền đất 60 m2, đồng thời đưa ra những chương trình thanh toán là ký hợp đồng nguyên tắc trả 95% trong 30 ngày kể từ ngày đặt cọc (luôn cọc), còn 5% có sổ hồng thanh toán đủ.
Để thu hút khách hàng, chủ đầu tư đã dùng chiêu khuyến mại tặng ngay 5 chỉ vàng SJC cho khách hàng mua nền đất tại dự án, đồng thời khách được tham gia rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng hơn 1 tỷ đồng “trả bằng tiền mặt”…
Tuy nhiên, khi tìm hiểu dự án này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản ngỡ ngàng vì trong hợp đồng mua bán chủ đầu tư đưa ra không có số quy hoạch 1/500, hay bất cứ văn bản pháp lý nào. Bên cạnh đó, công ty phân phối sản phẩm là Công ty cổ phần Bất động sản Hiển Vinh, có trụ sở tại quận 12, TP.HCM còn lấy toàn bộ thiết kế của một dự án bất động sản cạnh đó đưa ra giới thiệu cho khách hàng mua Dự án Thiên Phúc Hoàng Gia.
Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản liên hệ với Sở Xây dựng Long An và UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, thì được biết, dự án đang trong quá trình xin giấy phép quy hoạch và xây dựng và chưa đóng tiền sử dụng đất.
Phóng viên đã liên hệ với đại diện Công ty Thiên Phúc để có phản hồi chính thức từ chủ đầu tư, nhưng người này từ chối trả lời. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Công ty Thiên Phúc mới được thành lập ngày 22/10/2015.
Không chỉ tại Long An, TP.HCM cũng xuất hiện một dự án “ma” là Dự án Khu dân cư Hiển Vinh - Phú Quý. Dự án này có địa chỉ tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM do Công ty cổ phần Bất động sản Hiển Vinh làm chủ đầu tư và được giới thiệu có 21 nền đất. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản xuống thực địa để tìm hiểu về dự án, thì dân tại đây không hề biết có dự án này. Vào khu vực mà chủ đầu tư giới thiệu là dự án, thì người dân vẫn đang sinh sống và không hề biết tại đây là dự án bất động sản Hiển Vinh - Phú Quý.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ địa chính xã Tân Hiệp cho biết, ở đây không hề có dự án bất động sản nào cả. Trong khi đó, liên hệ với ông Nguyễn Đăng Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Hiển Vinh, thì ông Quỳnh cho biết, dự án mới đặt cọc giữ chỗ.
Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, đây chính là khẽ hở của luật và do khẽ hở này, nhiều công ty lợi dụng thị trường bất động sản chưa minh bạch, đã tự vẽ các dự án rồi giới thiệu ra thị trường, nhiều nhất là dự án dạng đất phân lô bán nền. Nhiều dự án dạng này chủ đầu tư chưa có quyền sử dụng đất, chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân phân lô, phê duyệt dự án đối với chủ đầu tư..., nhưng doanh nghiệp vẫn giới thiệu, mở bán. Những trường hợp này có dấu hiệu ban đầu giống như chiếm đoạt tài sản của người mua.
Cũng theo ông Phượng, cũng có trường hợp doanh nghiệp có đầu tư dự án đó thật, nhưng trong quá trình thực hiện gặp trục trặc, đổ bể, nếu chủ đầu tư không hoàn trả lại tiền cho người mua, cũng dễ chuyển qua hành vi chiếm đoạt.
“Ranh giới là rất mong manh, nếu không thực hiện và giao sản phẩm hoặc không hoàn trả lại tiền cho người mua, thì đã thể hiện đầy đủ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan nhà nước cũng cần vào cuộc ngay để xử lý những trường hợp rao bán khi không đúng quy định pháp luật, không nên để đến khi đổ bể mới vào khởi tố, như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Châu Thị Thu Nga”, luật sư Phượng nói.
Khóc ròng vì mua dự án bánh vẽ
Ông N.V.H, ngụ TP.HCM kể, năm 2006 ông mua một nền đất Dự án Khu dân cư Phước Kiển II do Tổng công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tới nay đã hơn 10 năm, nhưng dự án này vẫn chỉ là một bãi cỏ lau và dừa nước rậm um tùm.
“Hiện chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành xong việc đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có pháp lý dự án, nhưng đã bán cho hàng trăm khách hàng. Tới nay, khách hàng ngậm trái đắng vì bỏ ra hàng trăm triệu mua đất nhưng chưa biết bao giờ mới có đất xây nhà. Thậm chí, có những người mua qua tay, còn phải chịu giá chênh lên tới cả tỷ đồng”, ông H nói.
Tương tự, khách hàng Hà Thu Tuyết cũng đang bị mắc kẹt với dự án “bánh vẽ” khu dân cư - thương mại - trường học Nam Sài Gòn, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM của Công ty An Đại Việt, một công ty con của Công ty Vật tư và Giống gia súc (Amasco). Dự án này mở bán từ năm 2003, nhưng khi mua xong, khách hàng mới phát hiện dự án mới chỉ là quy hoạch và chủ đầu tư chưa hề có bất cứ pháp lý nào về dự án. Thậm chí, đến nay, dự án vẫn còn vướng đền bù giải tỏa.
“Tôi mua nền đất số 29 lô B8 với số tiền phải thanh toán là 220 triệu đồng và chia làm 3 đợt đóng. Đợt 1 tôi đóng vào tháng 7/2003 với số tiền 110 triệu đồng, đợt 2 dự kiến tôi phải đóng vào tháng 6/2004 với 44 triệu đồng (Công ty chưa thu-PV) và đợt 3 sẽ đóng vào thời điểm nào công ty yêu cầu. Tuy nhiên tới nay đã 13 năm, tôi đã hoàn thành gần như xong nghĩa vụ về góp vốn, mà dự án vẫn chỉ là bãi đất cỏ mọc um tùm, chủ đầu tư không hề thực hiện xây dựng dự án giao cho dân như cam kết là năm 2014”, bà Tuyết bức xúc.
Một dự án nữa đang gây bức xúc cho khách hàng là dự án Phú Gia Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM do Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Công ty Cotec Land) làm chủ đầu tư. Theo hàng trăm khách hàng đã mua đất tại dự án này, thì sau 14 năm mở bán, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi cỏ um tùm.
Một dự án khác cũng khiến hàng trăm khách hàng bị mắc kẹt và đang đi kiện tụng khắp nơi đòi lại tiền đặt cọc, là dự án phân lô bán nền do Công ty Bất động sản Bảo Khang mở bán từ năm 2016. Dự án nằm tại đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 do một chủ đất giao cho Công ty Bảo Khang phân lô bán. Tuy nhiên, khi khách hàng đã mua hết, thì chủ đầu tư lại không giao đất cho khách hàng xây nhà.
Tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ ra rằng, chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô”, tính chuyện bán trước rồi mới xin cấp phép quy hoạch 1/500. Theo tính toán của chủ đầu tư, khi nào xong quy hoạch 1/500 sẽ giao đất cho khách hàng, nhưng ngặt nỗi, dự án lại không xin được giấy phép. Kết quả là khách hàng đi khiếu kiện khắp nơi đòi đất, còn Công ty Bảo Khang chuyển trụ sở hoạt động…
Không chỉ các dự án trên, kể từ đầu năm tới nay, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đau đầu vì khách hàng kéo nhau tới đây khiếu kiện một số chủ đầu tư bán dự án “bánh vẽ”, thu tiền của khách hàng năm trời nhưng không giao đất.
“Việc dự án bánh vẽ làm khổ dân một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Không thể nói tôi không biết dự án này, trong khi các chủ đầu tư đua nhau mở bán dự án rầm rộ tại khu đất được giới thiệu là dự án”, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói.