Giá trị bất động sản tại TP HCM, bao gồm cả giá thuê và giá trị vốn, sẽ tăng bình quân từ 50-100% trong 5 năm tới. Đó là kết quả một cuộc khảo sát vừa được CBRE Việt Nam công bố. Và theo dự đoán, thị trường sẽ quy củ hơn.
Giá trị bất động sản tại TP HCM, bao gồm cả giá thuê và giá trị vốn, sẽ tăng bình quân từ 50-100% trong 5 năm tới. Đó là kết quả một cuộc khảo sát vừa được CBRE Việt Nam công bố. Và theo dự đoán, thị trường sẽ quy củ hơn.
Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, hiện tại giá thuê căn hộ của thị trường Việt Nam vào khoảng 20-40 USD/m2/tháng, còn giá bán là 1.000 - 4.000 USD/m2. Nhưng trong vòng 5 năm tới, giá thuê sẽ đạt 25-60 USD, còn giá bán sẽ là 2.000-6.000 USD, tức là sẽ tăng khoảng 50% so với hiện tại. Riêng với thị trường cao ốc văn phòng, giá thuê văn phòng hạng A, B, C hiện nay lần lượt là khoảng 42-28-25 USD/m2 và theo dự báo trong vòng 5 năm tới, sẽ tăng lên 35-60 USD/m2/tháng.
Đối với khu bán lẻ, giá thuê trung bình hiện nay là 75 USD/m2/tháng, thậm chí, với những vị trí đắc địa, có thể lên đến 170 USD, nhưng trong 5 năm tới, mức giá này sẽ lên tới 220-320 USD, tức là tăng bình quân gần 100%. “Đây quả là một mức giá chóng mặt cho nhiều thương hiệu lớn đang có kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam”, đại diện truyền thông thương hiệu Louis Vuiton tại Việt Nam cho biết.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng giá chóng mặt này, là do tiến độ triển khai các dự án đang có dấu hiệu chậm lại (vì hạn chế về năng lực tài chính, vướng một số thủ tục hành chính, quan điểm quản lý quy hoạch thiếu sự đồng nhất và thay đổi “tùy tiện”, dẫn đến một số dự án có nguy cơ khai trương không đúng tiến độ), trong khi nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) cho biết, khác với trước đây, các doanh nghiệp thường tìm đến các văn phòng ở khu vực trung tâm, thì nay, với nhu cầu văn phòng gắn liền với cơ sở sản xuất, đã xuất hiện nhu cầu thuê văn phòng tại các khu công nghiệp, hoặc mở rộng sang các quận xa trung tâm, như Tân Bình, quận 5, quận 7. Trong 6 tháng đầu năm 2007, mặt bằng văn phòng cho thuê gần như được lấp kín. Nhóm văn phòng hạng A đạt 100%, hạng B đạt 99%, còn hạng C cũng đạt 96%.
Thị trường sẽ quy củ hơn
Theo thống kê của Horea, trong năm 2007, TP sẽ có thêm 7 dự án văn phòng cho thuê đã và chuẩn bị đi vào hoạt động, cung ứng cho thị trường văn phòng cho thuê của TP HCM thêm hơn 90.000 m2, như E-Town 2 trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), toà nhà Petrovietnam Tower với khoảng 30.000 m2 (quận 1), Opera View (quận 1)... Trong thời gian còn lại của năm 2007, sẽ có thêm khoảng 10 dự án văn phòng cho thuê quy mô lớn được tiến hành xây dựng. Đó là toà nhà của Itaxa (quận 3), E Stas Bulding cao 12 tầng trên đường Võ Văn Tần (quận 3), toà nhà VFC Tower trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), Anpha Tower tại quận 3... Khi các dự án này hoàn thành, sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu văn phòng cho thuê đang tăng cao tại TP HCM.
Nhưng ở trên một khía cạnh khác, nhìn vào các dự án đang được triển khai sẽ thấy, cơ cấu các nhà đầu tư đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây vài năm, chủ đầu tư của các dự án BĐS đa phần là các nhà đầu tư nước ngoài thì nay trong số 17 dự án nói trên, chỉ có 2 dự án có vốn nước ngoài, là dự án Times Square và Asiana Plaza. Điều này không có nghĩa là thị trường BĐS Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài mà ngược lại, sau nhiều năm “lăn lộn” khảo sát và xem xét xu hướng phát triển thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra được một kinh nghiệm quý là thay vì triển khai đầu tư từ đầu, có thể ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp trong nước có tiềm năng. Đó là những doanh nghiệp có quỹ đất, đã hoàn tất đền bù giải tỏa, nhưng lại thiếu vốn để triển khai dự án, mà điều này thì nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng bổ sung. Mặt khác, chính các nhà đầu tư BĐS Việt Nam cũng nhìn nhận được điểm yếu của mình trong việc tiếp thị, kinh doanh dự án, nên đã thiết tha mời chào các nhà đầu tư nước ngoài làm đối tác chiến lược để thực hiện các khâu này.
(Theo Đầu Tư)