Chính phủ đã đồng ý đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất,
nhưng không có nghĩa cửa tín dụng cho bất động sản sẽ rộng mở.
Chính phủ đã đồng ý đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, nhưng không có nghĩa cửa tín dụng cho bất động sản sẽ rộng mở.
Tại hội thảo “Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam - Những khuyến nghị chính sách” do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Đại sứ quán Ireland tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18.8.2011, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết bất động sản đã được Chính phủ đồng ý đưa ra khỏi nhóm phi sản xuất. Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, các lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) sẽ bị kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tỉ trọng dư nợ cho vay so với năm 2010. Do vậy, một số ý kiến cho rằng nếu thoát khỏi nhóm phi sản xuất, ngành bất động sản sẽ lại được vay vốn.
Trả lại chính danh
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc đưa bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất chỉ là trả lại chính danh cho bất động sản. Sản phẩm địa ốc có liên quan trực tiếp và có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống con người. Phát triển thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng, đồng thời giải quyết một lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động.
Cũng có cùng quan điểm, nhưng nhìn ở một góc độ khác, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng trong vấn đề quản lý tín dụng, đặc biệt là chính sách tiền tệ, cần phải nhìn vào những khái niệm có liên quan trực tiếp đến chất lượng tài sản hơn là những khái niệm mơ hồ như sản xuất hay phi sản xuất. Nếu cơ quan quản lý nhận thấy tín dụng bất động sản ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại thì cần phải khống chế tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này.
Giải thích vì sao trên thị trường xuất hiện một số dự báo lạc quan sau khi có tin bất động sản thoát khỏi nhóm phi sản xuất, ông Châu cho rằng, những thông tin này chủ yếu xuất hiện ở thị trường Hà Nội, vốn có độ minh bạch không cao. Ông nói: “Tại thị trường này, họ thường đầu tư theo hình thức rỉ tai nhau, nên những thông tin về chính sách luôn được xem trọng và thường bị nhà đầu cơ làm méo mó. Câu chuyện về đầu tư ở Ba Vì là một ví dụ”.
Theo tìm hiểu của người viết qua các sàn giao dịch, thị trường Hà Nội hiện chưa có gì thay đổi, vì vẫn còn trong tháng 7 Âm lịch, người Hà Nội kiêng mua bán nhà đất, khởi sự làm ăn. Tuy nhiên, ông Trần Hòa Bình, Giám đốc Kinh doanh Công ty MH Invest chuyên về dịch vụ bất động sản cho rằng, có thể sang đầu tháng 8 Âm lịch thị trường này sẽ sôi động.
Khó cứu
Theo ông Châu, các doanh nghiệp đừng ngộ nhận về thông tin bất động sản thoát khỏi nhóm phi sản xuất. Dù thoát khỏi nhóm phi sản xuất nhưng tín dụng bất động sản vẫn bị kiểm soát. Theo Nghị quyết 11, cuối năm 2011 dư nợ cho vay phi sản xuất phải chiếm không quá 16% tổng dư nợ, tương đương 368.300 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ bất động sản vào khoảng 295.000 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, dư nợ bất động sản đã là 245.000 tỉ đồng.
“Đa số các ngân hàng thương mại đều đã hết hạn mức tín dụng cho bất động sản, chỉ một số ngân hàng nhà nước là còn một ít chỉ tiêu. Do vậy, nguồn tín dụng tăng thêm cho bất động sản là rất thấp,” Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học - Kinh tế Ứng dụng, nhận định.
Ông Hiển cũng cho rằng, việc bất động sản được đưa ra khỏi nhóm phi sản xuất chưa chắc đã giúp thị trường ấm lại. Các dự án địa ốc tại Việt Nam, bên cạnh một phần nhỏ vốn vay ngân hàng, có phần lớn hơn là vốn góp của khách hàng. Với lãi suất cao như hiện nay, liệu có bao nhiêu khách hàng dám vay vốn mua nhà? Bao nhiêu ngân hàng sẽ duyệt xét hồ sơ cho vay mua nhà, khi nợ xấu đang tăng?
Ông Nghĩa, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho biết trên thực tế, có muốn cứu cũng không cứu được thị trường bất động sản, bởi còn phụ thuộc vào việc nền kinh tế phục hồi đến đâu. Theo ông, nếu Nghị quyết 11 được thực hiện nghiêm túc, lạm phát sẽ bắt đầu giảm mạnh vào đầu năm 2012. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới lỏng tín dụng đối với các dự án có hiệu quả và may ra thị trường bất động sản mới phục hồi được.
Nói như vậy không có nghĩa việc thoát ra khỏi chiếc áo phi sản xuất là không có lợi. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng bất động sản tuy có phân định tỉ lệ vay của các loại hình bất động sản nhưng không phân biệt các loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, bất động sản nghỉ dưỡng...). Việc Chính phủ định nghĩa lại đối tượng phi sản xuất có thể là tiền đề để phân loại các loại hình bất động sản, từ đó có chính sách ưu tiên cho những loại hình cần thiết.
Trên thực tế, tín dụng phục vụ cho xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Hơn nữa, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình là nhằm giải quyết vấn đề xã hội tại các đô thị lớn. Đây cũng là một nội dung của Nghị quyết 11.
(Theo NCĐT)