Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kéo theo sự đóng cửa đột ngột của các trung tâm thương mại (TTTM) cũng ngày càng nhiều. Thực tế đó đã khiến không ít các tiểu thương phải lao đao vì trót ký hợp đồng thuê dài hạn.
Các “ông lớn” và cách hành xử “trái khoáy”
Chia sẻ với các phóng viên, chị Nguyễn Thị Diễm Châu, chủ quầy hàng BBQ Chicken tại TTTM Parkson Landmark (tòa nhà Keangnam, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, gia đình chị đã thuê gian hàng 17,3m2 và bỏ vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng với thời hạn thuê từ 16/7/2011 đến 31/12/2015. Hợp đồng thuê được ký với Công ty TNHH Parkson Hà Nội. “Cả gia đình và hàng chục nhân viên sống nhờ cửa hàng. Chưa thu hồi được vốn công ty đột ngột bắt ngừng hoạt động khiến chúng tôi trở tay không kịp. Từ bây giờ chúng tôi biết sống bằng gì?”, chị Châu nói.
|
Nhiều tiểu thương khốn đốn vì sự đóng cửa đột ngột của các TTTM. |
Cũng giống như chị Châu, anh Nguyễn Thắng, chủ quầy hàng ăn uống tại tầng hầm B1 trong trung tâm cũng hết sức bức xúc vì trước khi đóng cửa một tuần, Parkson còn gọi anh lên ký hợp đồng tiếp, giờ đột ngột đóng cửa và không có thông báo gì thêm thì không khác gì là lừa đảo khách thuê.
Công ty TNHH Parkson Hà Nội đã thuê mặt bằng tòa nhà Keangnam Landmark Tower và cho thuê lại. Vì vậy, việc hoạt động hay đóng cửa các quầy hàng là quyền quyết định của Parkson Hà Nội.
Một trong những nội dung của thông báo mà ông Tung Chee Sung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Parkson Hà Nội gửi đến các khách hàng nêu rõ nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa các quầy hàng tại tòa Keangnam Landmark Tower là vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thậm chí còn bị lỗ. Thời gian các đối tác có quầy hàng trong Trung tâm phải dọn đi là trong 2 ngày mùng 3 và 4/1.
Tuy nhiên, đến sáng ngày 5/1, trên cửa kính tòa nhà có dán một thông báo với nội dung Parkson Landmark sẽ đóng cửa đến hết ngày 7/1 để kiểm kê, sắp xếp hàng hóa. Các lối vào tòa nhà đều bị chắn và người lạ không được vào bên trong. Các chủ quầy hàng trong trung tâm đã dọn đồ ra ngoài hoang mang không biết có thực sự được kinh doanh trở lại vào ngày như thông báo không?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Điều đáng nói ở đây là Parkson Landmark không phải là TTTM lớn đầu tiên ở Hà Nội đột ngột đóng cửa, để hàng trăm khách hàng rơi vào tình trạng bơ vơ. Còn nhớ, thời điểm giữa năm 2013, nhiều chủ cửa hàng trong TTTM Grand Plaza (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải ấm ức vì trung tâm này ngừng hoạt động, chấm dứt hợp đồng mà không có đền bù. Giám đốc TTTM Grand Plaza, ông Hoàng Đức Anh có hứa hẹn sẽ mở cửa trở lại để đảm bảo quyền lợi cho các chủ cửa hàng. Song những người kinh doanh đã đợi chờ mòn mỏi cả năm nay nhưng TTTM “vẫn án binh bất động”.
Nhìn nhận về thực tế buồn này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho biết: Hà Nội hiện có 170 TTTM nhưng hơn nửa số đó hoạt động không hiệu quả, cảnh đìu hiu, vắng khách là chuyện thường xuyên. Sở dĩ Grand Plaza hay Parkson Landmark ế ẩm là vì các TTTM này đứng ngay cạnh “ông khổng lồ” BigC (đường Trần Duy Hưng). Vẫn các loại hàng như nhau mà giá lại đắt hơn khiến khách hàng đến một lần và không trở lại.
Ông Phú cũng cho biết thêm, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với các tiểu thương buộc Parkson phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, ông cũng rút ra bài học kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc thành lập TTTM cần phải siết chặt hơn. Bên cạnh đó, vị chủ tịch cũng cảnh báo các tiểu thương không nên quá tin vào những thương hiệu lớn được quảng bá rầm rộ trên thị trường mà cần phải nghiên cứu thị trường và làm hợp đồng rõ ràng để hoạt động kinh doanh được đảm bảo.