Thời hạn 30/6 phải đưa tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của các ngân hàng về không quá 22% đang đến gần. Theo đó, áp lực thu hẹp tín dụng bất động sản cũng ngày càng gia tăng, nhất là với các ngân hàng nhỏ.
Thời hạn 30/6 phải đưa tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của các ngân hàng về không quá 22% đang đến gần. Theo đó, áp lực thu hẹp tín dụng bất động sản cũng ngày càng gia tăng, nhất là với các ngân hàng nhỏ.
Tín dụng BĐS, nhất là BĐS tiêu dùng hiện chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng dư nợ ở lĩnh vực phi sản xuất của nhiều ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 5/2011, OCB đã kéo giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống còn 27% và kỳ vọng sẽ chạm mức 22% vào ngày 30/6 tới. Để thực hiện được điều này cũng như giảm xuống mức 16% vào cuối năm nay, theo lãnh đạo OCB, Ngân hàng sẽ phải dừng cho vay BĐS, kể cả BĐS cá nhân, chứng khoán và hạn chế tối đa đối với tín dụng tiêu dùng.
Lãnh đạo DongA Bank cho biết, trong tổng dư nợ phi sản xuất hiện nay thì tỷ lệ cho vay mua nhà, đất, căn hộ, sửa chữa nhà (BĐS tiêu dùng) dưới hình thức trả góp chiếm phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân. Tính đến cuối tháng 3/2011, dư nợ tín dụng phi sản xuất tại DongA Bank chỉ chiếm hơn 22% tổng dư nợ của Ngân hàng và dường như hoạt động tín dụng của DongA Bank không tăng trưởng trong gần 2 quý qua. Không mở rộng đối với tín dụng BĐS là chủ trương của DongA Bank hiện nay.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần nhỏ cũng cho hay, để kéo giảm được tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất thì dư nợ BĐS sẽ được các ngân hàng quan tâm nhiều nhất. Bởi thực tế, trong thời gian từ một năm trở lại đây, BĐS vẫn là lĩnh vực được ưa thích đầu tư nhất trong bối cảnh lạm phát cao và với các ngân hàng, lĩnh vực này còn có tài sản thế chấp là chính BĐS với tỷ lệ định giá thấp so với giá thị trường.
Hiện không chỉ khách hàng mới khó tiếp cận vốn ngân hàng để mua nhà, căn hộ cũng như sửa chữa nhà,… mà ngay cả những cá nhân đã vay trước đó, giờ ngân hàng cũng không muốn giải ngân để thanh toán cho chủ đầu tư ở các đợt tiếp theo, mặc dù lãi suất áp dụng cho các đối tượng khách hàng này đã tăng lên mức khá cao, 24 - 26%/năm. Tuy nhiên, giải pháp này của một số ngân hàng vấp phải sự phản đối từ phía khách hàng, bởi nhiều người có nhu cầu thực về nhà ở và kế hoạch vay vốn đã được xác định.
Chị Mai Hà (TP. HCM) cho biết, chị rất bất ngờ khi trong tuần qua được cán bộ tín dụng ngân hàng (nơi chị đã có hợp đồng vay vốn và giải ngân theo tiến độ mua căn hộ của một dự án chung cư ở Q. 2) thông báo về việc tạm dừng giải ngân vốn trong đợt tới do nhà băng này phải thực hiện quy định của NHNN về việc giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất.
Thực tế, không ít khách hàng đã phải tính đến chuyện bán căn hộ, nhà để trả nợ vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng, điều này cũng không dễ thực hiện.
Đánh giá trước tình hình tín dụng BĐS hiện nay, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tín dụng BĐS đang vào vùng cảnh báo khi nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng, do áp lực lãi suất chưa có điểm dừng, đồng thời sức ép về thu hồi nợ lĩnh vực phi sản xuất đang vào giai đoạn nóng. Theo ông Lịch, vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay trên thị trường tín dụng ngân hàng chính là tín dụng BĐS.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết thường kỳ tháng 5/2011, trong đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2011 khoảng 15%, tăng trưởng khoảng 6%. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Chú ý kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới BĐS. Điều hành lãi suất theo mục tiêu kiềm chế CPI dưới 15%. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.
Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng năm 2011 theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 11/NQ-CP và Chỉ thị 01/CT-NHNN, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng kế hoạch, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế dưới 20% trong suốt cả năm 2011, giảm tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là kinh doanh BĐS, chứng khoán so với năm 2010. NHNN không chấp thuận và sẽ xử lý nghiêm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay.
(Theo Đầu tư chúng khóan)