Một trong những thương vụ chuyển nhượng BĐS đáng chú ý nhất quý I/2016 là việc tòa nhà văn phòng A&B Tower (Q.1, Tp.HCM) đã được một nhà đầu tư bỏ ra số tiền không nhỏ để sở hữu 70% giá trị. Theo đó, giá trị chuyển nhượng 70% cổ phần A&B Tower ước đạt 47 triệu USD.
A&B Tower được xây dựng trên diện tích đất 1.832m2 với 25 tầng lầu, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000m2 diện tích văn phòng kể từ năm 2010, là một trong những dự án văn phòng hạng A đẹp nhất trung tâm TP nhờ giáp với 2 mặt tiền đường Lê Lai và Nguyễn Thị Nghĩa, nằm liền kề với khách sạn New World.
Năm 2009, trước nguy cơ 'bong bóng' BĐS bắt đầu xì hơi, quỹ đầu tư VOF do VinaCapital quản lý đã chuyển nhượng toàn bộ 50,1% cổ phần tại dự án này cho các nhà đầu tư khác chỉ sau 4 năm nắm giữ. Được biết, tỷ suất hoàn vốn nội bộ của khoản đầu tư 10 triệu USD này được thông báo là 17,5%, vào thời điểm đó, giá trị tòa nhà khoảng gần 40-50 triệu USD.
Các thông tin chi tiết liên quan đến thương vụ M&A lần này hiện vẫn chưa được hé lộ. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Nhịp cầu đầu tư, bên mua 70% giá trị A&B Tower là một tập đoàn đến từ Nhật và giá trị chuyển nhượng ước tính đạt 47 triệu USD cho 70% cổ phần. Giá trị A&B Tower sau thương vụ này sẽ lên tới khoảng 67 triệu USD.
Tòa nhà văn phòng A&B Tower đã nhiều lần được chuyển nhượng giữa các
nhà đầu tư.
Đây là một trong những thương vụ thâu tóm đình đám đầu tiên mà các nhà đầu tư Nhật thực hiện tại khu trung tâm thương mại tài chính (CBD) của Tp.HCM. Dường như các nhà đầu tư Nhật đang có xu hướng quay lại phân khúc văn phòng sau 2 mảng bán lẻ và căn hộ vốn đã được họ đầu tư rầm rộ trong thời gian qua.
Lo ngại viễn cảnh xấu của thị trường BĐS, năm 2013, nhà đầu tư Nhật là Japan Asia Vietnam đã bán lại dự án văn phòng Centre Point nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Phú Nhuận, Tp.HCM) cho Mapletree của Singapore với giá khoảng 54 triệu USD. Thế nhưng, liệu đối với một dự án có vị trí đẹp như A&B Tower thì mức giá 47 triệu USD cho 70% cổ phần liệu có rẻ? Tổng Giám đốc hãng tư vấn BĐS JLL Việt Nam, ông Stephen Wyatt cho rằng, bất kỳ một thương vụ M&A nào đều được nghiên cứu và thỏa thuận rất kỹ càng giữa các bên liên quan.
Vị này cho hay, “Thương vụ này được xem xét trong một thời gian đủ dài để các bên đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, tôi không nghi ngờ gì về mức giá chuyển nhượng của tòa nhà này. Trên quan điểm của một nhà đầu tư, theo tôi, giá chuyển nhượng này là thích hợp trong điều kiện thị trường hiện tại với triển vọng lạc quan trong thời gian sắp tới”.
Thương vụ mua bán A&B Tower diễn ra ngay thời điểm phân khúc văn phòng, đặc biệt là văn phòng cao cấp tại khu CBD của TP đang nóng. Tòa nhà văn phòng Vietcombank Tower tại Công trường Mê Linh (Q.1) đã bắt đầu vận hành vào cuối năm ngoái, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Khu trung tâm tài chính của tp sẽ tiếp tục chứng kiến một số dự án văn phòng có quy mô lớn được đưa vào khai khác trong 2 năm tới, như giai đoạn 2 dự án Saigon Centre do Keppel Land (Singapore) làm chủ đầu tư, hay dự án Etown Central tại quận 4 của Công ty Cơ Điện Lạnh REE hoặc như tòa nhà M&C Tower cũng có thể được hoàn thiện nốt 20% khối lượng công việc còn lại để vận hành.
Ông Stephen Wyatt nhận định, thị trường địa ốc nói chung sẽ tiếp tục xu hướng tích cực được thể hiện từ năm 2015. Với phân khúc văn phòng cho thuê tại Tp.HCM, dự kiến giá thuê sẽ tăng nhẹ từ 1-3% vì thiếu hụt nguồn cung chất lượng trong tương lai gần và nhất là thiếu nguồn cung tại khu vực CBD. Nguồn cầu văn phòng sẽ tiếp tục tăng từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh đến từ các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, tài chính, bảo hiểm và công nghệ. Việc thiếu hụt nguồn cung văn phòng cũng có thể dẫn đến các hoạt động M&A sôi nổi hơn nữa trong những quý còn lại của năm.
Chuyên gia này đánh giá: “Chúng tôi nhìn thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật, Singapore, Hong Kong và Hàn Quốc đối với thị trường BĐS Việt Nam. Phân khúc BĐS thương mại, cụ thể là các tòa nhà văn phòng có vị trí tốt trong khu vực đều được họ chú ý. Nhưng số lượng giao dịch thành công cũng không phải là nhiều nếu so sánh với các quốc gia khác do Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ”.
Bên cạnh thương vụ A&B Tower, trong quý I/2016, giao dịch M&A có giá trị lớn nhất được ghi nhận là việc Keppel Land chi ra 93,9 triệu USD để thâu tóm 40% cổ phần trong liên doanh phát triển khu phức hợp Empire City tại Thủ Thiêm (Q.2, Tp.HCM). Trong khi đó, tại Hà Nội,Vingroup chuyển nhượng dự án 56 Nguyễn Chí Thanh cho Tập đoàn TNR Holdings với giá trị 110 triệu USD. Một nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Chứng khoán Mirae Asset vừa dự kiến sẽ chi ra khoảng 349 triệu USD để thâu tóm tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay là Keangnam Hanoi Landmark Tower.
Tại phân khúc nghỉ dưỡng, các thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý có thể kể đến như khu resort The Nam Hai (Quảng Nam) hoặc khu resort Six Senses Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).