Vướng giải phóng mặt bằng đang là rào cản lớn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án tại Tp.HCM đã bị chậm tiến độ, chậm giải ngân, thậm chí bị nhà thầu phạt vi phạm vì không bàn giao mặt bằng đúng theo thời hạn cam kết.
Mỗi quận tại Tp.HCM đòi 1 đơn giá
Trong báo cáo mới nhất của UBND Tp.HCM cho thấy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của các chủ đầu tư trên địa bàn TP hiện còn chậm, kéo dài, thậm chí có trường hợp còn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Việc người dân phản ứng quyết liệt và thiếu hợp tác trong quá trình thực hiện các bước của công tác bồi thường chủ yếu do giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường. Một số hộ dân có mặt bằng là nơi kinh doanh, buôn bán cũng bị ảnh hưởng về kinh tế nên gây khó khăn, bất hợp tác. Vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng xấu đến tiến độ của toàn dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho biết, công tác TĐC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, còn tồn tại tình trạng thiếu nhà ở, đất ở TĐC hoặc thiếu nguồn vốn dành cho việc xây dựng các khu TĐC. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tại một số địa phương vẫn còn buông lỏng, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời và nghiêm túc, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng, xây dựng trái phép, từ đó dẫn đến tình trạng khi Nhà nước thu hồi đất thì không được bồi thường, dẫn đến việc người dân không chấp hành việc bàn giao mặt bằng.
Ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, hiện 15 dự án trên địa bàn huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 50% đều liên quan đến vấn đề GPMB. Riêng quận Thủ Đức đã bàn đến chuyện xin giảm vốn của 7 dự án liên quan đến công tác GPMB vì tiến độ giải ngân ở mức quá thấp. Tại Tân Bình, tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 43%. Đại diện của quận này cũng kêu ca về những vướng mắc từ khâu GPMB. Các quận có tuyến metro số 2 đi qua đều có tiến độ giải ngân dự án rất thấp do chưa thống nhất được về đơn giá bồi thường GPMB.
|
Do chưa thống nhất về đơn giá bồi thường GPMB nên các quận có tuyến metro số 2 đi qua đều có tiến độ giải ngân rất thấp do. Ảnh: Tiên Giang |
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Tp.HCM cho biết: “Trong khi quận 1, Tân Phú, Tân Bình đồng thuận với mức đơn giá cũ thì Quận 3 và Quận 10 lại đòi tăng giá theo mức mới. Đây mới chỉ là bất cập trong khâu GPMB từ góc độ đơn giá. Điều này đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu triển khai xây dựng. Riêng để thống nhất được đơn giá bồi thường GPMB cho tuyến metro số 2, đã có tới 12 cuộc họp giữa các quận, huyện mà vẫn không thể tìm được tiếng nói chung”.
Cần nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm định giá
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, trong công tác GPMB, đặc biệt là vấn đề xác định đơn giá bồi thường, chất lượng đội ngũ nhân lực thẩm định giá là điều quan trọng bậc nhất. “Sở Tài chính cần phải rà soát lại toàn bộ nhân sự của hội đồng thẩm định giá, từ đó củng cố, bổ sung, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu cũng như khối lượng công việc đặt ra. Chúng ta cần phải ưu tiên cho những nhân lực giúp đẩy nhanh quá trình xác định, thống nhất đơn giá bồi thường GPMB. TP sẽ quan tâm đặc biệt để phát triển đội ngũ thẩm định giá”, ông Tuyến cho biết.
Riêng với tuyến quận, huyện, các sở, ngành, lãnh đạo Tp.HCM yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải có cam kết về việc đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó đặc biệt lưu ý đến phần GPMB. “Hiện đã phân cấp trách nhiệm cũng như nguồn vốn GPMB cho cấp quận, huyện. Nếu từ nay đến tháng 1/2018, các quận, huyện không hoàn thành giải ngân theo kế hoạch thì phải giải trình, xem xét trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và TP sẽ căn cứ vào kết quả giải ngân của 2017 để cân nhắc việc giao vốn tiếp theo”, lãnh đạo UBND Tp.HCM khẳng định.
Tp.HCM cũng giao Sở Kế hoạch & Đầu tư làm đầu mối tập hợp, đốc thúc các sở, ngành, ban quản lý dự án, quận, huyện tăng cường nâng cao chất lượng, tiến độ giải ngân đầu tư công. “Các đơn vị phải lập kế hoạch, tiến độ thực hiện công tác bồi thường GPMB của từng dự án để từ đó đề xuất bố trí vốn phù hợp, không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân. TP đang nỗ lực đảm bảo việc thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ TĐC trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ TĐC, không để phát sinh tiền phạt do chậm chi trả cho người dân”, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Tp.HCM nhấn mạnh.