Đang trên đà khởi sắc, bất động sản Tp.HCM ngày càng nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư ngoại, mang đến nhiều cơ hội để người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng tài chính của mình.
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, Đỗ Thị Loan khẳng định,
hoạt động M&A bất động sản tại Tp.HCM sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã có cuộc trao đổi với báo giới về tình hình bất động sản tại thị trường Tp.HCM trong năm 2015.
- Thưa bà, bà nhận định thế nào về thị trường bất động sản tại Tp.HCM trong năm 2015?
Dự kiến nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM sẽ tăng mạnh từ nửa cuối năm 2015 đến năm 2017 với khoảng 59.200 căn đến từ 90 dự án hiện hữu và các dự án sẽ triển khai. Thực tế này sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt trong thời gian tới.
Nhìn về tổng thể, bất động sản Tp.HCM sẽ tiếp tục đà hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn so với hồi đầu năm. Trong đó, phân khúc căn hộ vừa và nhỏ, kết cấu 1-2 phòng ngủ với giá trên dưới 1 tỷ đồng vẫn chiếm lĩnh thị trường và tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.
- Vậy bà có ý kiến thế nào trước quan điểm cho rằng, giá nhà ở sẽ bị đẩy lên cao, nguồn cung nhà giá rẻ sẽ hạn chế bởi quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai?
Các thành viên của Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cũng đã đưa ra các kiến nghị nhằm tránh làm tăng giá nhà khi thực hiện chế định bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai. Cụ thể:
Doanh nghiệp không cần phải thực hiện các thủ tục bảo lãnh trong trường hợp người mua nhà tại dự án đó không yêu cầu chủ đầu tư phải bảo lãnh khi ký kết hợp đồng mua nhà hình thành trong tương lai. Và chủ đầu tư chỉ cần thực hiện bảo lãnh khi ký hợp đồng bán căn hộ hình thành trong tương lai, nghĩa là chỉ bảo lãnh đối với căn hộ được bán.
Cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo thực hiện cơ chế: ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho chủ đầu tư thực hiện dự án, cũng sẽ là đơn vị cho người mua nhà tại dự án đó vay và thực hiện luôn nhiệm vụ bảo lãnh.
Thực hiện như vậy sẽ giúp ngân hàng thương mại có điều kiện để giám sát mục đích, hiệu quả của dòng tiền được sử dụng, đồng thời, cũng giúp tiết kiệm và hạn chế được rủi ro có thể xảy ra.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước đặt ra một room hạn mức mới cho hoạt động bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai của các ngân hàng thương mại, bên cạnh room hạn mức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho phép các ngân hàng liên doanh, ngân hàng có 100% nguồn vốn nước ngoài, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tham gia bảo lãnh các dự án nhà ở hình thành trong tương lai.
Cùng với đó, Chính phủ cũng nên cho thí điểm các công ty bảo hiểm có năng lực được tham gia bảo lãnh các dự án bất động sản hình thành trong tương lai, giúp tăng thêm nguồn lực để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Bà có thể cho biết yếu tố nào giúp bất động sản Tp.HCM ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài?
Với ưu thế là một trung tâm kinh tế lớn nhất nước nên dân số nhập cư vào Tp.HCM ngày một tăng, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nhà ở lên cao. Cùng với đó, Tp.HCM cũng chú trọng và dành nhiều vốn ưu tiên phát triển hạ tầng cùng sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của thành phố để kêu gọi đầu tư.
Vậy nên, thành phố không chỉ thu hút được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư trong nước mà còn với cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, quy định nới lỏng điều kiện và mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua bất động sản tại Việt Nam của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào bất động sản Tp.HCM.
- Điều này có đồng nghĩa với việc hoạt động mua bán, sáp nhập bất động sản sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn không, thưa bà?
Hoạt động mua bán sáp nhập bất động sản đã diễn ra khá mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường khó khăn ở giai đoạn vừa qua. Nhiều đơn vị dù có đất nhưng vì thiếu năng lực nên vẫn phải chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp tiềm lực hơn. Thị trường hiện đang dần tốt lên và nhu cầu về nhà ở cũng gia tăng hơn.
Nắm rõ được thực tế này và hiểu tiềm năng của thị trường Tp.HCM nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã mua lại một số dự án, tạo nên sự sôi động trong hoạt động mua bán sáp nhập bất động sản hiện nay.
Trên địa bàn thành phố hiện có 1.407 dự án phát triển bất động sản, song có đến 689 dự án trong số đó bị tạm ngưng triển khai và 85 dự án bị thu hồi. Có thể xem đó là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động mua bán sáp nhập trong thời gian tới.
- Thông thường, nhà đầu tư ngoại chỉ chú trọng đầu tư vào phân khúc cao cấp. Điều này liệu có dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không, thưa bà?
Nguồn cung nhà ở trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú, đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Nhiều chủ đầu tư cũng đã tiến hành cơ cấu lại sản phẩm của mình.
Đối với những dự án mới và sắp được triển khai, chủ đầu tư sẽ lựa chọn xây dựng dự án thuộc phân khúc nào tùy theo vị trí mà khu đất đó tọa lạc.
Thời điểm này, người mua nhà cũng có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình, bởi, đang và sẽ có rất nhiều dự án bất động sản được triển khai mới.
Vì thế, chúng ta không cần lo lắng đến việc thiếu nguồn cung nhà ở trung cấp và nhà ở xã hội...