Theo kết quả khảo sát của UBND TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố đang
có 689 dự án tạm dừng, chậm triển khai (chiếm gần 50% trong tổng số các
dự án phát triển nhà ở trên địa bàn).
Theo kết quả khảo sát của UBND TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố đang có 689 dự án tạm dừng, chậm triển khai (chiếm gần 50% trong tổng số các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn). Ngoài ra, có nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn kho cao. Hiện trên địa bàn thành phố đang tồn kho khảng 10.053 căn hộ chung cư, và gần 121 ha đất nền nhà thấp tầng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, TP.HCM đã đề ra nhiều giải pháp. Cụ thể, trong năm 2014 thành phố sẽ ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho 3 nhóm dự án gồm: nhóm dự án đang thi công dở dang nhưng ngưng triển khai đầu tư, xây dựng (khoảng 55 dự án), nhóm dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (khoảng 188 dự án), nhóm dự án đã xây dựng hoàn thành nhưng còn tồn kho (khoảng 37 dự án).
Cụ thể, đối với nhóm dự án đang thi công dở dang nhưng ngưng triển khai đầu tư xây dựng, nhóm dự án đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng chậm tiến độ, thành phố sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để cho phép chủ đầu tư có nhu cầu chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ có diện tích lớn sang căn hộ có diện tích nhỏ nhằm tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để đáp ứng nhu cầu của người dân và điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án, thành phố sẽ tạo điều kiện để chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính để tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giảm bớt rủi ro và thiệt hại cho các khách hàng mà chủ đầu tư đã huy động vốn. Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tiến độ đầu tư và khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính để chủ đầu tư chủ động cân đối tài chính, bán sản phẩm thu hồi vốn.
Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ kịp thời báo cáo Bộ Xây dựng danh mục dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại và sang nhà ở xã hội để gửi đến Ngân hàng Nhà nước cho vay theo gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Đối với các nhóm dự án đã xây dựng hoàn thành nhưng còn tồn kho, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng đã mua nhà trong các dự án. Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại có căn hộ với diện tích nhỏ hơn 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để kết nối với các đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà và các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn theo quy định.
Rà soát nắm lại nhu cầu nhà ở xã hội của các ngành giáo dục, y tế, lực lượng vũ trang… để triển khai cho cán bộ vay gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ. UBND TP.HCM cũng yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn chủ động liên hệ hợp tác, kí hợp đồng thỏa thuận với chủ đầu tư dự án có các căn hộ đủ tiêu chuẩn theo quy định, chủ động tìm kiếm khách hàng, kết nối ba bên chủ đầu tư- khách hàng – ngân hàng để cho vay hỗ trợ nhà ở.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, ba nhóm dự án nêu trên chiếm 20% tổng số dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, tập trung chủ yếu là các dự án đã có căn hộ hoàn thiện, các dự án đã xây dựng dở dang, đã huy động vốn của khách hàng nhưng chưa bàn giao được căn hộ do chậm tiến độ.
Giải quyết được khó khăn cho các dự án này sẽ góp phần giảm lượng tồn kho căn hộ do chậm tiến độ, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đưa căn hộ vào sử dụng tránh gây lãng phí một lượng vốn lớn đã đầu tư vào các dự án, đặc biệt sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại cho người mua nhà đã đóng tiền nhưng vẫn chưa nhận được nhà ở.
Ngoài ra, đối với 721 dự án còn lại hiện đang đầu tư xây dựng, đa số đã giải phóng mặt bằng hoặc đang đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật… tùy vào thực tế của thị trường bất động sản và tình hình kinh tế, xã hội, thành phố sẽ xem xét các giải pháp tiếp theo sau khi đã cơ bản giải quyết được khó khăn cho 3 nhóm dự án nêu trên.
Theo Báo Hải quan