Vật liệu không nung dù có nhiều ưu điểm vượt trội nhưng vẫn còn xa lạ với người dân và chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Việc phát triển vật liệu xây dựng không nung để thay thế loại vật liệu nung gây ô nhiễm môi trường được xem là một hướng đi rất tốt hiện nay. Thế nhưng đến giờ loại vật liệu này vẫn xa lạ với người dân và chưa có chỗ đứng trên thị trường.
Giảm tác hại ô nhiễm môi trường
Theo ông Trương Thế Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng (BMJC) chia sẻ: Vật liệu xây dựng không nung đối với Việt Nam thì mới nhưng với thế giới thì không có gì mới cả. Đây là vật liệu của tương lai và trong tương lai dù muốn hay không chúng ta cũng phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung. Bởi vì vật liệu xây dựng có nung trong thời gian qua đã chứng minh những hệ quả về môi trường, cũng như với nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn của chúng ta.
Cùng quan điểm này, TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng: Phát triển vật liệu xây dựng không nung là hướng phát triển rất tốt và dứt khoát sẽ phát triển lên được.
Theo lí giải của TS Trần Văn Huynh, hiện nay Việt Nam có lượng xỉ tro bay khoảng 20 triệu tấn của các nhà máy nhiệt điện, cùng khoảng vài chục triệu tấn đá mạt từ ngành công nghiệp chế biến đá xây dựng. Đây chính là nguồn nguyên liệu rất lớn để phát triển vật liệu xây dựng không nung nếu chúng ta biết cách tận dụng.
Theo các chuyên gia, phát triển vật liệu xây dựng không nung sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như môi trường cho đất nước.
Các vật liệu xây dựng không nung như bê tông nhẹ có nhiều tính ưu việt. Đó là cách âm, cách nhiệt tốt. Các công trình cũng ít tốn năng lượng. Nếu sử dụng vật liệu này thì mùa đông ấm, mùa hè mát vì nó chống nhiệt bên ngoài vào và giữ nhiệt bên trong.
Đặc biệt, đây là loại vật liệu xây dựng nhẹ hơn nước, nổi trên mặt nước. Do đó sẽ giảm được tải trọng công trình xây dựng.
TS Trần Văn Huynh phân tích: Ví dụ 1 cái nhà hơn 5 tầng, diện tích khoảng 30 nghìn m2. Nếu xây dựng bằng gạch đất sét nung sẽ mất 8 nghìn m3 gạch, với trọng lượng khoảng 16 nghìn tấn. Trong khi đó, nếu dùng vật liệu không nung như bê tông nhẹ thì chỉ mất có 8 nghìn tấn. Như thế sẽ giảm được 8 nghìn tấn trọng lượng trên công trình, giảm sắt thép xây dựng.
Ngoài ra, theo quy hoạch đến năm 2020 chúng ta phải sử dụng đến 42 tỉ viên gạch đất sét nung. Điều đó có nghĩa từ nay đến năm 2020 chúng ta “tiêu tốn” khoảng 25 nghìn ha đất ruộng. Do đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu giữ 3,81 ha đất ruộng mà Nghị quyết Quốc hội khóa XIII vừa rồi đã đặt ra. Vì vậy, phát triển vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung sẽ giảm được tình trạng sử dụng đất ruộng.
Bên cạnh đó, sử dụng vật liệu xây dựng không nung sẽ giúp bảo vệ môi trường, hạn chế lượng khí thải độc hại ra ngoài môi trường.
“Chúng tôi tính một năm chúng ta tốn rất nhiều đất sét, than để làm gạch đất sét nung. Nếu từ nay đến năm 2020 chúng ta tiếp tục đốt than như hiện nay, thì chúng ta mất 60 triệu tấn than và hơn 15 nghìn ha đất. 60 triệu tấn than đó thải khí CO2 lên bầu trời sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường” – TS Trần Văn Huynh nói thêm.
Cần thay đổi thói quen của người dân
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. TS Trần Văn Huynh cho biết: Năm 2012 là năm chúng tôi tập trung ưu tiên cho việc phát triển vật liệu xây dựng không nung. Vừa rồi các doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn, cho nên bây giờ làm thế nào tiêu thụ được nó là vấn đề quan trọng.
TS Trần Văn Huynh cho biết: Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đã được Chính phủ duyệt rồi. Vừa qua chúng tôi cũng đã báo cáo với Thủ tướng để có biện pháp hướng dẫn các địa phương đưa vật liệu xây dựng không nung vào sử dụng. Hy vọng trong tháng 3 này sẽ có chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu phát triển và sử dụng vật liệu không nung.
Ông Trương Thế Ngọc, Giám đốc Công ty BMJC cho rằng: Việc người dân vẫn chưa mặn mà lắm trong việc dùng vật liệu xây dựng không nung là do chưa thay đổi được thói quen. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách như tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích khi dùng vật liệu xây dựng không nung. Thậm chí có thể cấm sử dụng gạch đất nung, yêu cầu chuyển sang dùng vật liệu xây dựng không nung. Bản thân các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không nung cũng phải tìm cách hạ giá thành để người dân có thể tiếp cận được.
Đánh giá về triển vọng của vật liệu xây dựng không nung trong tương lai, TS Trần Văn Huynh lạc quan: Các nước bây giờ dùng vật liệu xây dựng không nung rất nhiều rồi. Còn ở Việt Nam, việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung mới đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên. Tất nhiên sau này người làm xây dựng sẽ thấy được hiệu quả và quen với việc dùng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng.
(Theo Tamnhin)