Tại các trung tâm mua bán, trưng bày vật liệu xây dựng (VLXD), hàng ngoại hoặc liên doanh luôn chiếm ưu thế. Rất ít các sản phẩm trong nước có khả năng cạnh tranh, bởi chất lượng, mẫu mã và tiếng tăm.
Tại các trung tâm mua bán, trưng bày vật liệu xây dựng (VLXD), hàng ngoại hoặc liên doanh luôn chiếm ưu thế. Rất ít các sản phẩm trong nước có khả năng cạnh tranh, bởi chất lượng, mẫu mã và tiếng tăm.
Những tên tuổi "đại gia" đã có mặt từ lâu trên thị trường vật liệu xây dựng, hoặc mới xuất hiện, nhưng thị phần rất lớn như sơn trang trí 4 Oranges, gạch men Bạch Mã, sàn gỗ Kronotex, thiết bị vệ sinh Toto, Caesar, Inax, American Standard, gạch men Taicera, cửa sổ nhựa Eurowindow, ngói màu CPAC, nhiều nhãn hiệu sắt thép xây dựng hay hàng loạt các sản phẩm đồ gỗ nội thất. Ngay cả nhãn hiệu được coi là "nội" hoàn toàn về vốn - gạch ốp lát Đồng Tâm - cũng vẫn có liên kết với nước ngoài để phát triển nhà máy sản xuất trong nước.
Nhật xét về thị trường VLXD Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Tống Văn Nga cũng thừa nhận sự lấn lướt quá mạnh của các sản phẩm nhập ngoại. Mặc dù chủ trương của Bộ chỉ cho nhập những sản phẩm trong nước không thể sản xuất được và hướng tới xuất khẩu sang một số nước láng giềng. Thế nhưng, kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng VLXD vẫn tăng mạnh qua nhiều năm, đặc biệt ở các sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng... Giá trị nhập khẩu 130 triệu USD năm 2005, năm 2006 đã tăng lên 250 triệu USD và có khả năng tăng lên 500 triệu USD trong năm nay.
Hiện nhiều người tiêu dùng cũng rất "sính" các sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài hoặc liên doanh, kể cả những gia đình có thu nhập mới chỉ ở mức trung bình. Theo một số kiến trúc sư chuyên thiết kế và thi công nhà dân, hàng liên doanh hoặc nhập ngoại được ưa chuộng vì mẫu mã, chất lượng và đặc biệt là độ bền, tiêu chí mà nhiều người dân Việt vẫn đặt lên hàng đầu. Giá thành thi công tính trên m2 với vật liệu ngoại nhập và liên doanh có thể cao gấp rưỡi hoặc hơn.
"Ngoại" có lý do để lấn lướt
Đã có hàng chục nhãn hiệu gạch ốp lát liên doanh và nhập khẩu trên thị trường, nhưng Vietceramics vẫn quyết tâm bước chân vào lĩnh vực này vì xác định rõ khách hàng mục tiêu. Anh Nguyễn Thiện Duy, Phụ trách dự án bán hàng của Vietceramics, nói: "Chúng tôi nhắm vào người tiêu dùng thu nhập cao đang ngày càng nhiều ở các thành phố lớn nên không hề ngần ngại nhập những sản phẩm đá ốp nội ngoại thất đẳng cấp, mẫu mã hiện đại, trẻ trung từ Malaysia, Trung Quốc, Italy... ".
Những công nghệ và sản phẩm chưa từng có ở Việt Nam cũng đang ồ ạt nhập khẩu. Các thiết bị tự động giúp một ngôi nhà trở nên thông minh thường chỉ xuất hiện trên phim, đang từ Đức và Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều. Sau Gamma của Siemens khoảng 2 năm trước, hiện vài công ty "ngoại" cùng hoạt động trong lĩnh vực này như Merten, VSmarthome... cũng đang hoạt động mạnh. Tương tự, cửa nhựa của Eurowindow cũng không còn là độc tôn vì sự cạnh tranh của các liên doanh và công ty 100% vốn nước ngoài như Việt Séc, German Window... Giấy dán tường cũng là một mặt hàng mới xuất hiện ngày càng nhiều tại miền bắc, mẫu mã chất lượng cao, với nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ, Nhật và châu Âu.
Để chiếm ưu thế trên thị trường VLXD, các nhà kinh doanh "ngoại" khá chú trọng vào việc quảng bá và phát triển sản phẩm. Hãng sơn trang trí 4 Oranges có mặt tại Triển lãm Vietbuild ở Hà Nội vừa qua với diện tích gian hàng hoành tráng nhất, nhưng hoàn toàn không trưng bày sản phẩm, mà chỉ quảng bá thương hiệu, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Đại diện kinh doanh của công ty cho biết: "Thị phần hiện nay của chúng tôi là 37%, nhưng hãng vẫn muốn mở rộng vì tiềm năng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn đang rất lớn".
Inax có mặt tại Việt Nam từ gần 10 năm, đã trở thành một thương hiệu khá gần gũi với người tiêu dùng. Một vài năm gần đây, sứ vệ sinh không còn là sản phẩm duy nhất của họ. Inax đã mở rộng hoạt động sang nhiều sản phẩm, lĩnh vực khác, trong đó có gạch ốp ngoại thất nhập từ Nhật Bản đang rất được ưa chuộng. Những dịch vụ hậu mãi tốt cũng nâng ưu thế cho sản phẩm.
Trong khi đó, khoản này với các doanh nghiệp trong nước thì kém hẳn. Những sản phẩm tương tự của các công ty "nội" như gốm Hạ Long, gạch granite hay ceramics của Viglacera và Thạch Bàn... cũng có chất lượng khá so với những sản phẩm cùng loại, nhưng lại đang dần trở nên lép vế, ít nhất là trong tiềm thức của người tiêu dùng. Nếu không có sự tư vấn, gợi ý của các kiến trúc sư thì những sản phẩm này đang dần bị lãng quên.
Linh Hương