Thị trường bất động sản đang đứng trước áp lực bán tháo sau khi các vụ
vỡ nợ tín dụng đen liên tiếp xảy ra. Theo nhận định của nhiều chuyên
gia, từ giờ đến cuối năm, giá bất động sản vẫn lao dốc.
> Vỡ nợ “khủng“ liên tiếp lộ diện… đại gia bất động sản
> Bất động sản tê liệt vì các đại gia vỡ nợ
Thị trường bất động sản đang đứng trước áp lực bán tháo sau khi các vụ vỡ nợ tín dụng đen liên tiếp xảy ra. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, từ giờ đến cuối năm, giá bất động sản vẫn lao dốc.
Làn sóng bán tháo bất động sản đã từng xảy ra cách đây vài tháng sau khi lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất đồng thời hạn chế cho vay bất động sản. Điều này buộc các nhà đầu tư bán tháo bất động sản để trả nợ vay ngân hàng. Chính vì vậy, giá đất tại nhiều dự án liên tục giảm trung bình 10-15 triệu đồng/m2, cá biệt có nhiều lô đất giá giảm 20 triệu đồng/m2.
Cho đến đầu tháng 8 đà bán tháo bắt đầu giảm dần, giá đất một số dự án như đô thị mới An Hưng, Vân Canh, Văn Khê, Văn Phú … bắt đầu tăng trở lại 1-3 triệu đồng/m2 sau khi có thông tin lãi suất ngân hàng điều chỉnh giảm dần. Hơn nữa, sau thời gian dài giảm giá nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mua vào và giá bất động sản sẽ khó tiếp tục giảm thêm nữa.
Tuy nhiên, thị trường chưa kịp hồi phục tiếp tục hứng chịu thêm “cú sốc” nữa khi chỉ trong vòng 1 tháng liên tiếp 5-6 vụ vỡ nỡ quy mô lớn vài trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các chủ nợ lớn đều là đại gia có tiếng tăm trong làng bất động sản Hà Nội.
Theo điều tra cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến cho các chủ nợ tuyên bố vỡ nợ do giá bất động sản giảm quá sâu trong một thời gian dài khiến các khoản lãi vay bị đội lên từng ngày. Vì vậy, các đối tượng này mất khả năng thanh toán.
Nhiều chủ nợ hiện đã bị cơ quan CSĐT bắt giam, thế nhưng hệ thống “chân rết” phía dưới cũng đang “dẫy chết” khi đang ôm một khối lượng nợ khổng lồ. Trong đó, nhiều chủ nợ phải chọn phương án bán tháo hoặc gắn nhà đất để thu tiền trả nợ.
Ông Ngô Hồng Tuấn – trưởng văn phòng công chứng Đông Đô cho biết, hơn một tháng nay, tại văn phòng công chứng Đông Đô có làm thủ tục công chứng mua bán bất động sản cho rất nhiều khách hàng. Tuy nhiên, trong 10 trường hợp thì có đến 8 trường hợp công chứng bán nhà để gắn nợ do chủ nhà không có tiền để trả nợ vay.
Theo khảo sát của PV tại một số chợ đất lớn tại Hà Nội, hai tuần nay lượng hàng chào bán tăng nhanh trong đó đất tại một số dự án vẫn tiếp tục giảm như Geleximco khi C, D giá đường nhỏ 38 triệu đồng/m2, đường to 45-48 triệu đồng/m2. Dự án Vân Canh đường nhỏ giảm hơn 40 triệu đồng/m2, đường to 48-50 triệu đồng/m2, liền kề dự án Kim Chung – Di trạch khoảng 35-40 triệu đồng….
Chị Nguyễn Mỹ Hạnh – Giám đốc sàn bất động sản Vietland cho biết, giá bất động sản vài tuần nay tiếp tục giảm trong đó có trường hợp khách hàng cần tiền đã chào bán nhiều lô đất dự án và thổ cư với mức giá thấp hơn mặt bằng chung quanh khu vực. Tuy nhiên, lực mua rất yếu thậm chí không khách hỏi mua.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu tiền do sức ép đáo hạn của các khoản vay trước ngày càng tăng đặc biệt thời điểm 31/12 (dư nợ cho vay phi sản xuất phải kéo xuống 16%) ngày càng đến gần trong khi vay mới dường như rất khó khăn. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang bắt đầu cuộc chơi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong đó lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 30%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng. Do vậy, thị trường vốn đang thiếu lại càng thiếu hơn vì ngân hàng lớn sẽ tập trung cho vay trên thị trường liên ngân hàng vì lãi suất cao, đảm bảo tính an toàn.
(Theo VnMedia)