Việc sát nhập, mua bán sang nhương dự án là chuyện tất yếu trên thị trường bất động sản.
Việc sát nhập, mua bán sang nhương dự án là chuyện tất yếu trên thị trường bất động sản.
M&A (sáp nhập, chuyển nhượng) là hoạt động bình thường có thể đem lại lợi nhuận khi các nhà đầu tư chuyển nhượng dự án chứ không hẳn đồng nghĩa với việc sang nhượng là tháo chạy khỏi dự án.
Tuy nhiên, khi mãi lực thị trường giảm với các khó khăn về huy động vốn, đã và đang thử sức chịu đựng của nhà đầu tư phát triển dự án; và không ít trong số đó đã đuối sức phải tìm cách sang nhượng lại dự án của mình.
Trong số các dự án đã chuyển nhượng thời gian vừa qua có thể kể đến thương vụ Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Đất Xanh mua lại dự án của Công ty TNHH Hà Thuận Hùng và biến khu đất rộng hơn 3.700 mét vuông thành dự án căn hộ cao 14 tầng Phú Gia Hưng Apartment tại quận Gò Vấp, TPHCM với 234 căn hộ cao cấp.
Ở một thương vụ khác, Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Nam Long Bitexco cũng đã chi 8 triệu đôla Mỹ để có được cao ốc 10 tầng trên khu đất diện tích 4.350 mét vuông trên đường Võ Văn Tần, TPHCM từ Công ty CP Kỹ Thuật Việt.
Hoặc Công ty Đông Dương cũng đã mua lại quyền sử dụng lô đất 2.700 mét vuông tại Khu Nam Sài Gòn từ Công ty CP TM-XD Bất động sản Hòa Bình với giá 11,9 triệu đôla Mỹ.
Vào khoảng tháng 9 năm ngoái, Công ty JSM Indochina, chuyên đầu tư vào lãnh vực nhà ở và bán lẻ ở thị trường Việt Nam và Campuchia, đã công bố đã chi 26 triệu đôla Mỹ để mua lại hai lô đất là dự án căn hộ Prince và Princess ở phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM. Hai lô đất này được kết hợp chung với dự án Peninsula mà công ty đã mua lại trước đó giá 19 triệu đôla Mỹ để hợp thành một dự án với 600 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê.
Một tháng sáu đó, theo thông tin công bố trên website của công ty này, JSM Indochina cũng đã ký biên bản ghi nhớ sẽ chi 65 triệu đôla Mỹ để mua lại hai tòa nhà với 180 căn hộ trong một dự án cũng ở quận 2 từ chủ đầu tư dự án là một công ty xây dựng không được nêu tên.
Tuy nhiên, JSM Indochina hồi tháng 9 vừa qua cũng đã chọn CBRE làm trung gian để tìm nhà đầu tư bán lại hai dự án ở quận 2, TPHCM.
Theo ông Marc Towsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, thời gian qua đã diễn ra khá nhiều thương vụ chuyển nhượng, sáp nhập (M&A) dự án BĐS. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ đều do chính các doanh nghiệp trong nước mua lại của doanh nghiệp trong nước, hoặc doanh nghiệp trong nước mua lại các dự án của công ty nước ngoài.
Gần đây nhất, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Prudential Vietnam đã mua lại phần vốn góp của Công ty Vina Development Inc của Hàn Quốc để đầu tư vào dự án căn hộ Blooming Park, vừa được đổi tên thành Imperia An Phú, đang được xây dựng tại phường An Phú, quận 2, TPHCM.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn hai hécta, gồm bốn khối nhà cao từ 24 – 28 tầng với khoảng 700 căn hộ và khu vực bán lẻ, và vốn đầu tư khoảng 120 triệu đôla Mỹ. Trong đó, Prudential nắm giữ 60%, hai đối tác còn lại là Công ty CP Kiến Á và Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ TPHCM (Invesco) nắm giữ lần lượt 30% và 10% vốn trong dự án này.
Ngoài ra, thị trường đang ghi nhận một số chủ đầu tư đang tìm đối tác để chuyển nhượng lại dự án của mình do không chịu nổi trong tình hình khó khăn vừa qua.
Ở góc độ phát triển thị trường, một số chuyên gia cho rằng cú sốc thị trường vừa qua, măc dù đem đến không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng cơ hội để thị trường sàng lọc bớt những chủ đầu tư không chuyên nghiệp, khả năng tài chính yếu để thị trường phát triển mạnh hơn.
Bình luận về xu hướng này, ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phân tư vấn và nghiên cứu thị trường Công ty Savills Vietnam, cho rằng quy mô thị trường đã lớn lên rất nhiều kể từ năm 2007. Trong xu thế thị trường đang mở rộng, sân chơi cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp hơn, buộc những người chơi ở trong sân là các chủ đầu tư phải suy nghĩ nhiều hơn trong họat động đầu tư.
“Do vậy, việc sát nhập, mua bán sang nhương dự án là chuyện tất yếu trên thị trường”, ông Trung nhận định.
Giới quan sát cho rằng xu hướng sáp nhập, mua bán (M&A) các dự án bất động sản sẽ rất sôi động trong năm 2011.
Hàng loạt doanh nghiệp BĐS nước ngoài muốn vào Việt Nam đầu tư mà không muốn mất nhiều thời gian để thiết lập bộ máy, cũng như đi xin dự án đã chủ động làm M&A với các doanh nghiệp BĐS trong nước.
Tuy nhiên, các giao dịch này thường diễn ra âm thầm mang tính nội bộ. Số thương vụ thực hiện thành công vẫn chưa nhiều, vì trên thực tế còn nhiều khoảng cách trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là đối với các thương vụ mà đối tác là doanh nghiệp nước ngoài.
(Theo TBKTSG)