Việc Bộ Xây dựng đề xuất nới quy định mua nhà ở đối với Việt kiều và
người nước ngoài được xem là giải pháp tích cực để giải phóng “núi hàng
tồn kho” của thị trường địa ốc hiện nay.
Việc Bộ Xây dựng đề xuất nới quy định mua nhà ở đối với Việt kiều và người nước ngoài được xem là giải pháp tích cực để giải phóng “núi hàng tồn kho” của thị trường địa ốc hiện nay.
Vẫn vướng nhiều rào cản
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng khi soạn thảo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2005, tính đến năm này, cả nước chỉ có khoảng 140 Việt kiều sở hữu căn hộ tại Việt Nam. Sau gần 10 năm triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có 1 lần Quốc hội phải đồng thời sửa liền 2 luật (Luật Nhà ở và Luật Đất đai) để tạo điều kiện cho Việt kiều và người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đến nay, cả nước hiện có 400 Việt kiều và 121 trường hợp cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ước tính không chính thức, hiện có hàng ngàn bất động sản do Việt kiều và người nước ngoài bỏ tiền mua nhưng không đứng tên chính thức. Thực trạng này nói lên sự không minh bạch của thị trường bất động sản và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho những đối tượng trên. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, nếu chúng ta mở rộng được quy định, thì cầu thị trường cũng được tháo gỡ, tạo lối thoát cho rất nhiều sản phẩm căn hộ trung và cao cấp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ soạn thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Cụ thể, Luật Nhà ở sửa đổi sẽ nới rộng tối đa đối với Việt kiều mua nhà ở Việt Nam, còn đối tượng là người nước ngoài sẽ được xem xét mở thêm. Theo đó, Việt kiều đang định cư ở nước ngoài có một trong các loại giấy tờ chứng minh mình là người Việt Nam như đang còn quốc tịch Việt Nam, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh sẽ được mua nhà tại Việt Nam. Đối với Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam, nhưng về sinh sống, đầu tư, buôn bán ở Việt Nam cũng được mua nhà. Đối tượng Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam và không sinh sống tại Việt Nam sẽ được mua 1 căn nhà và Luật sẽ mở rộng thêm cho đối tượng này. Còn với đối tượng là người nước ngoài, Bộ vẫn bảo lưu quan điểm chưa nới rộng, bởi việc người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác.
Mở ra cơ hội lớn
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup đề xuất, nên mở rộng việc mua nhà ở đối với người nước ngoài trong tất cả các phân khúc như chung cư, biệt thự, bởi mỗi đối tượng mua dù là 1, 2 hay 3 căn, Nhà nước đều thu được thuế.
Đồng tình với quan điểm trên, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần có quan điểm mới, thông thoáng hơn trong việc tạo điều kiện cho người nước ngoài hay Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam. GS. Mại cho rằng, các dự án bất động sản như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hay Ciputra vẫn được cấp phép, thậm chí dự án hàng trăm triệu đôla vẫn được sang nhượng. Vì vậy, việc không cho người nước ngoài chuyển nhượng một ngôi nhà vài nghìn đôla là không thỏa đáng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khó khăn, cần kích cầu bằng cách mở cửa cho người nước ngoài và Việt kiều được mua nhà.
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cũng cho rằng, việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là hợp lý, vì vừa giải quyết được nhu cầu của khách hàng, vừa là cơ sở để giải quyết thị trường lành mạnh và đúng hướng. Đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Anh Dũng, Giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia bất động sản Hoa Kỳ cho rằng, trong bối cảnh hàng tồn kho như hiện nay, để hỗ trợ bất động sản, Chính phủ chỉ cần hỗ trợ bằng chính sách để khơi thông đồng vốn đang tồn đọng và giúp các doanh nghiệp giải quyết được gánh nặng hàng tồn kho như hiện nay.
Ông Dũng đưa ra một khái niệm mới là “xuất khẩu bất động sản” và đề xuất Chính phủ cần phải có giải pháp mạnh tay hơn. Cụ thể, nên mở rộng cho mọi đối tượng người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam nếu họ muốn chọn Việt Nam là quê hương thứ hai để sinh sống và kinh doanh. Họ được quyền đứng tên và sở hữu hợp pháp những tài sản mà họ đã bỏ tiền ra mua. Đặc biệt, phải cho họ được quyền mua bán, sang nhượng hay cho thuê khi có nhu cầu như công dân Việt Nam khác.
Theo ĐTCK