Một NH có vốn khoảng nghìn tỷ, huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau
đó rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn BĐS...
Một NH có vốn khoảng nghìn tỷ, huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn BĐS...
Khi giá đất rớt thảm, đến hạn không có tiền trả người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao... đại biểu QH Nguyễn Bá Thanh phân tích...
Phát biểu tại phiên họp chiều 27/10, đại biểu QH Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) nhận định, dự báo năm 2012 nếu kinh tế Mỹ phục hồi và giá vàng chững lại thì tình hình lạm phát ở nước ta không có nguy cơ đe dọa.
Tuy nhiên, đại biểu Đà Nẵng lo ngại, nếu tình hình kinh tế Mỹ xấu đi, đồng đô la sụt giảm và giá vàng tiếp tục lên cao thì không biết điều gì xảy ra đối với tình hình lạm phát ở nước ta. Có thể nhìn chung cho đến nay thì tỷ lệ lạm phát ở nước ta cũng còn quá cao, đồng đôla thì bị mất giá, nhưng đồng bạc Việt Nam còn bị mất giá hơn.
“Lạm phát cao thì có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng và cơ cấu bản thân nền kinh tế của chúng ta còn nhiều bất hợp lý, phát hành tiền nhiều, đưa tiền mặt vào lưu thông nhiều, hàng thì ít mà tiền thì nhiều đã dẫn đến lạm phát cao. Cho ra đời hàng loạt ngân hàng mới, nâng cấp hàng chục ngân hàng nông thôn, nâng tỷ số lên gần trăm ngân hàng, không phải nhiều hay ít, quản lý Nhà nước đã yếu mà cho thành lập quá nhiều, dẫn đến mất kiểm soát" - đại biểu Nguyễn Bá Thanh phân tích.
Đại biểu Đà Nẵng lấy ví dụ, "Một ngân hàng có vốn khoảng nghìn tỷ khi mới thành lập huy động thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa sau đó nhẹ nhàng rút tiền của mình ra rồi lấy 10 nghìn tỷ của thiên hạ đi buôn bất động sản, giá đất rớt thê thảm, đến hạn không có tiền trả lại cho người gửi thế là đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao, 18%, 20%, thậm chí 25%, 30%/năm để có tiền, lấy tiền của người sau để trả cho người lấy trước đẩy lạm phát lên cao. Ấy thế mà vừa rồi ngân hàng Nhà nước khống chế lãi suất trần huy động còn 14%, nhiều ý kiến phản đối cho rằng dùng những mệnh lệnh hành chính để can thiệp”.
“Theo tôi có những lúc hành chính rất cần thiết trong tình hình lộn xộn như thế này, ngân hàng ôm mấy miếng đất của mình mua rồi ôm luôn mấy miếng đất của người vay mang thế chấp, thị trường nhà đất thì đóng băng, không bán được thế là nợ xấu tăng lên. Nợ xấu lên theo con số báo cáo hiện nay là 75 nghìn tỷ đồng thì tôi cũng không có số liệu đối chứng, nhưng tôi thấy con số này cũng đáng nghi ngờ, và trong 75 nghìn tỷ thì con số có thể nhiều hơn. Riêng 75 nghìn tỷ đã xấp xỉ 50% là coi như xấu lắm, tức là xấu không còn khả năng thu hồi được” – đại biểu Đà Nẵng nhận định.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh, nới lỏng chính sách tiền tệ thì bị lạm phát, còn thắt chặt tiền tệ thì nợ xấu tăng lên, sức mua giảm sút, các nguồn tín dụng đen phát triển mạnh và nguy cơ đổ vỡ, sự tăng trưởng có nguy cơ bị đe dọa, kinh tế chậm tăng trưởng thì sản xuất bị đình đốn, sức mua giảm, lao động thì thiếu việc làm, nguồn thu cho ngân sách bị giảm sút, còn lạm phát cao thì đồng tiền bị mất giá, đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng đặc biệt là những hộ nghèo, những đối tượng chính sách, các công nhân lao động, cán bộ hưu trí, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương Nhà nước.
Đánh giá về chủ trương chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm lại để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Bá Thanh cho rằng đây là một hướng đi rất đúng. Nhưng ông cho rằng, hạ nhiệt lạm phát cần nhiều giải pháp đồng bộ, như việc tái cơ cấu lại ngành ngân hàng là việc cần làm ngay, làm kiên quyết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đây là vấn đề rất khó, trong đó khó nhất là động chạm đến lợi ích nhóm và “không khéo một ông chết sẽ kéo theo hàng loạt ông chết gây hậu quả cho xã hội”.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Bá Thanh nhắc nhở: “cần cải tổ nhưng phải hết sức thận trọng và có bước đi thích hợp, làm sao nói nôm na như chúng ta diệt được sâu rầy ở những cánh đồng nhưng vẫn giữ được cánh đồng lúa xanh tốt và có mùa bội thu”.
“Sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng, nhưng sự bất ổn của nền kinh tế nếu có xảy ra trong tương lai sẽ bắt đầu từ chính ngân hàng yếu kém này” – Bí thư Đà Nẵng cảnh báo.
Cũng liên quan đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cấu trúc các ngân hàng, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phân tích, các ngân hàng đã thực hiện sử dụng nguồn vốn huy động ngân hàng vay vốn của nhau thay vì phải dựa vào chủ lực là tiền gửi. Với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay số lượng quá lớn mạng lưới ngân hàng phát triển ào ạt và khó thanh lọc độ lành mạnh giữa các ngân hàng. Từ đó khi chính sách thắt chặt tiền tệ đã tác động đến cuộc đua lãi suất tăng đột biến.
"Có đỉnh điểm, năm 2008 lãi suất lên đến 30,1% một năm, đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Do đó tái cấu trúc khu vực ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng để ổn định và kiềm chế lạm phát" - đại biểu tỉnh An Giang khẳng định.
Do vậy, đại biểu này cũng đồng tình với chủ trương của Chính phủ, rằng trong bối cảnh hiện nay, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu khu vực ngân hàng là một nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi phải triển khai đồng bộ và quyết liệt. Tuy nhiên, đại biểu Ánh tuyết lưu ý, tái cấu trúc có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều nhóm, nhiều đối tượng và bộ, ngành. Do đó Quốc hội cần nghiên cứu hình thức pháp lý đủ mạnh để thực thi tái cấu trúc trong thời gian tới và cân nhắc có thể Quốc hội ban hành nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế.