Nhiều dự án chung cư vẫn mọc dày đặc trên một số con hẻm, tuyến đường gây kẹt xe, làm quá tải về hạ tầng. Mặc dù khi phê duyệt các dự án chung cư, cơ quan chức năng đều xem xét cẩn trọng dựa trên nhiều tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất… nhằm đáp ứng hài hòa về mặt kiến trúc và các vấn đề xã hội liên quan.
Chung cư có đường hiện hữu rộng chỉ 10m, song chủ dự án vẫn được xét duyệt các chỉ tiêu quy hoạch theo bề rộng dự phóng của đường 30m. Những tình huống trên lỗi trước tiên phía Nhà nước, bởi các cán bộ có trách nhiệm không làm đúng chức năng, tính liêm chính và kiến tạo của cơ quan không được thể hiện, nên cần phải có biện pháp quyết liệt khắc phục
|
Tình trạng quá tải mật độ xây dựng không chỉ tại các quận trung tâm, ngay cả các quận, huyện ngoại thành cũng đang đối mặt với tình trạng này, nguyên nhân chính do chung cư mọc lên quá nhiều trong khi hạ tầng kỹ thuật, xã hội chưa phát triển theo kịp.
Đường Phan Văn Hớn (quận 12) lâu nay vốn dĩ thưa thớt, nhưng hơn 1 năm nay một số chung cư được đưa vào sử dụng như Tín Phong, Tecco và một số dự án khác đang triển khai xây dựng như Topaz Home, Phúc Phúc Yên… dẫn đến tình trạng ùn ứ, kẹt xe xảy ra thường xuyên hơn.
Ông Lưu Minh Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất (quận 12), cho biết trên địa bàn phường ngoài các dự án chung cư trên còn có hơn 40 block chung cư đã được quy hoạch để làm khu tái định cư 38ha. Nếu các dự án này đồng loạt triển khai, đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ dẫn đến hạ tầng giao thông quá tải, không đáp ứng việc đi lại của người dân.
Tại TPHCM, nhiều dự án chung cư được cấp phép nằm trong những con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ 2 chiếc xe ô tô qua lại chen nhau. Đơn cử, một dự án chung cư trên đường Khuông Việt (quận Tân Phú), do CTCP Địa ốc Tân Bình làm chủ đầu tư, được xây dựng trong con đường bề rộng chỉ 7-8m, trong khi đó tại đây sẽ có hàng trăm gia đình dọn về sống, đồng thời nhà cửa người dân xung quanh 2 bên cũng đã dày đặc.
Hiện nay, các dự án “chui vào” trong khu dân cư nhiều nhất có thể kể đến các quận 12, 7, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức. Trước tình trạng trên, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đang rà soát và phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải xác định các điểm nóng ùn tắc giao thông để khoanh vùng và đề xuất UBND TPHCM hạn chế đầu tư cao ốc.
Chung cư Tecco 3 block mỗi block 15 tầng, bên trong rất quy mô nhưng
phải đi vào vài trăm mét.
Theo nhiều chuyên gia BĐS, đối với những khu vực hạ tầng đường đang kẹt không nên cho xây thêm cao ốc. Nếu chủ đầu tư muốn làm dự án cần đóng góp kinh phí để Nhà nước đầu tư mở rộng hạ tầng, phục vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng. Bởi khi nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, Nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, do 2 nguồn lực này có độ vênh quá lớn, nên trong một giai đoạn nhất định phải chấp nhận tạm ngưng đầu tư cao ốc. Trường hợp nhà đầu tư vẫn có nhu cầu đầu tư ở các điểm nóng này có thể xem xét, nhưng phải đóng góp khoản kinh phí xử lý. Sở Quy hoạch-Kiến trúc sẽ phối hợp với Sở Tài chính để tính toán, đề xuất cụ thể.
Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TPHCM, cho biết: “Sở Giao thông-Vận tải đang soạn thảo quy trình đánh giá tác động giao thông khi thực hiện các dự án cao ốc, trung tâm thương mại. Theo đó, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thuê tư vấn độc lập thực hiện việc đánh giá tác động của dự án trong quá trình thi công, khai thác đến hệ thống giao thông hiện hữu. Việc này nhằm chuẩn hóa trong việc phối hợp, tham gia góp ý của ngành giao thông về tác động của các dự án cao ốc, trung tâm mại đến hiện trạng giao thông”.
Ngoài ra, UBND TP cũng giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông-Vận tải tham gia góp ý từ khâu xét duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, lập quy hoạch mặt bằng đối với các dự án cao ốc, trung tâm thương mại. Điều này góp phần tháo gỡ các bất cập trong việc đầu tư cao ốc làm ảnh hưởng đến giao thông.
Bởi vì khi có sự tham gia từ giai đoạn này, nếu xét thấy dự án có tác động xấu đến giao thông, Sở Giao thông-Vận tải có kiến nghị điều chỉnh quy mô, chức năng hoạt động hoặc khuyến cáo nhà đầu tư giãn tiến độ đầu tư, hoàn thiện dự án so với việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông khu vực.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), kiến nghị: “Nguyên tắc hạ tầng đi trước, xây dựng đi sau, dứt khoát phải được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Vì vậy không thể nói nhà đầu tư có lỗi dù họ tìm nhiều cách tăng mật độ xây dựng, thêm tính năng cho dự án cao ốc, trung tâm thương mại. Vấn đề là việc các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép chưa làm hết chức năng. Tôi đề nghị cần chấm dứt quy trình ngược trong cấp phép xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Phải có đánh giá tác động và phải gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với hệ quả do dự án của họ gây ra”.
Ông Châu cũng đưa ra một số khuất tất trong cấp phép đầu tư như lâu nay một số chủ đầu tư thường lobby để được “khoét lõm” một số nơi dù không đủ điều kiện xây chung cư, trung tâm thương mại. Hoặc có dự án chung cư phải “mượn đường” mới vào được. Nghĩa là dù không có đường vào nhưng chủ đầu tư đã “phù phép” để dự án vẫn được cấp phép và hình thành.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online