"Cơn bão" vỡ nợ nổ ra hàng loạt
gây xôn xao dư luận, khiến nhiều nhà đầu tư bất an và có một điểm chung
là các con nợ đều huy động vay với lãi suất cao với cái "mác" đầu tư bất
động sản, vàng hay chứng khoán.
> Vỡ nợ tại Hà Đông: kế hoạch đào tẩu quá hoàn hảo?
> Hà Tĩnh: Vỡ nợ tín dụng đen lên tới hàng chục tỷ đồng
"Cơn bão" vỡ nợ nổ ra hàng loạt gây xôn xao dư luận, khiến nhiều nhà đầu tư bất an và có một điểm chung là các con nợ đều huy động vay với lãi suất cao với cái "mác" đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán.
Ngày 2/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam có thời hạn 4 tháng đối với bị can Lê Thị Tương là dược sĩ khoa Dược của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngay sau khi Tương bị bắt tạm giam, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét nhà ở của hai vợ chồng Tương tại phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh.
Trong thời gian qua, Lê Thị Tương dưới vỏ bọc của một đại gia kinh doanh bất bất động sản làm ăn phát đạt và có khả năng chạy các dự án xây dựng, đã làm quen và lừa hàng chục người góp vốn cùng kinh doanh chia lãi.
Nhiều người dân trên địa bàn vì ham lãi cao đã cho Lê Thị Tương vay với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng bằng tiền mặt hoặc tài sản thế chấp.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra vụ án.
Trước đó, ngày 14/10, cơ quan chức năng đã nhận hơn chục đơn trình báo của người bị hại tố cáo vợ chồng Phạm Thị Chinh (SN 1975) và Nguyễn Ngọc Chúc (SN 1969, ở phường Nghĩa Đô) nợ hàng chục tỷ đồng.
Với thủ đoạn của Chinh khi đặt vấn đề vay tiền là khoe rằng đã tách ra mở công ty riêng chuyên kinh doanh vàng và đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như bất động sản và chứng khoán nên rất cần vốn kinh doanh. Hứa sẽ trả với lãi suất rất cao cùng với sự khéo léo, Chinh đã vay được với số tiền nhiều tỷ đồng.
Tuy nhiên sau nhiều ngày không đòi được, đến ngày 6/10 những người bị hại mới phát hiện cả gia đình Chinh đã “biến mất” từ lúc nào không rõ.
Ngày 23/9, tại quận Hà Đông, xảy ra một vụ tuyên bố vỡ nợ khác tại số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông. Con nợ là Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi) cùng chồng là Nguyễn Hồng Hảo (51 tuổi, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông). Khai nhận tại CQĐT hai vợ chồng Dậu cho biết, năm 2005 đến nay, anh chị đã cho anh T ở quận Hà Đông vay số tiền 10 tỉ đồng với lãi suất 1.000 đồng/ngày/1 triệu, tăng theo thời gian và tùy thỏa thuận. Hiện tại anh T đang nợ vợ chồng chị khoảng 145 tỉ đồng, bao gồm cả tiền lãi nhưng anh T không trả nên Dậu chưa có tiền trả đúng hẹn cho những người vợ chồng Dậu đã vay.
Tuy nhiên, chiều ngày 2/11, quá trình kiểm tra, Cơ quan công an phát hiện Nguyễn Thị Dậu đã “biến mất”. Ngay sau khi phát hiện Nguyễn Thị Dậu bỏ trốn, Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Dậu tại số 5, Nguyễn Thái Học. Quá trình khám xét, Cơ quan công an đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc lừa đảo của Nguyễn Thị Dậu. Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội điều tra làm rõ.
Thông tin vợ chồng con nợ Nguyễn Hồng Hảo đã trốn thoát khỏi nhà từ sớm 2/11 bị rò rỉ. Đến khoảng 18h cùng ngày, hàng trăm chủ nợ cùng người thân với sự bức xúc ngút trời đã phá nát ngôi nhà 7 tầng của vợ chồng con nợ này tại số 5 Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, Q. Hà Đông, Hà Nội.
Ngày 7/10, thông tin “con nợ” Nguyễn Thị Cúc, SN 1979, trú tại thôn Văn Minh, xã Văn Nhân mất tích cùng món nợ hàng trăm tỷ đồng không chỉ khiến dư luận thị trấn Phú Minh (nơi được cho là có nhiều người cho vợ chồng Cúc vay tiền nhất) hoang mang mà nó còn khiến nhiều người điêu đứng.
Ngày 11/10, Công an huyện Phú Xuyên đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của gia đình “con nợ” Nguyễn Thị Cúc, SN 1979, trú tại thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo xác minh, số nợ mà Cúc đang nợ được xác định khoảng hơn 270 tỷ đồng.
Sau nhiều ngày bỏ trốn với số tiền nợ kếch xù lên đến hàng trăm tỷ đồng, sáng ngày 24/10, Nguyễn Thị Cúc đã ra cơ quan Công an đầu thú.
Hiện cơ quan Công an đang làm việc với Cúc để điều tra những thông tin xung quanh vụ vỡ nợ .
Trả lời trên VTV, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết : trong các vụ vỡ nợ, Công an Hà Nội cũng đã xem xét để thu hồi tiền cho người cho vay. "Tuy nhiên, những trường hợp này, cơ hội đòi lại tiền là rất ít vì số tiền này đã bị các phạm nhân thua lỗ hoặc đã tẩu tán hết. Nếu họ đã từng cho vay nặng lãi, đã bị cảnh cáo một lần mà vẫn vi phạm lần nữa mới phải chịu án hình sự. Còn với những người vay nợ mà không bỏ trốn, không lừa đảo, chúng tôi cũng chỉ quy vào dân sự. Đây là điều rất khó khăn, rất vướng mắc hiện nay". |
(Theo ĐTCK)