Ngày 16/11, HĐXX TAND Hà Nội tập trung làm rõ thủ đoạn lừa đảo hơn 340
tỷ đồng của bị cáo Lê Hồng Bàng (SN 1976, nguyên Tổng GĐ Cty Sàn bất
động sản Việt Nam) dưới hình thức hợp đồng vay vốn.
Ngày 16/11, HĐXX TAND Hà Nội tập trung làm rõ thủ đoạn lừa đảo hơn 340 tỷ đồng của bị cáo Lê Hồng Bàng (SN 1976, nguyên Tổng GĐ Cty Sàn bất động sản Việt Nam) dưới hình thức hợp đồng vay vốn.
Trả lời HĐXX, “đại gia” Lê Hồng Bàng khá tự tin: “Luật Đất đai không cấm doanh nghiệp thỏa thuận giá cả, phương thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng như chi phí đền bù với các hộ dân”, do đó Bàng cho rằng Cty Sàn bất động sản VN vay vốn không trái luật. “Giao dịch giữa bị cáo và các bị hại là hợp đồng vay vốn, không phải hợp đồng huy động vốn” - bị cáo Bàng lý giải. Cũng theo Bàng, các hợp đồng vay vốn được ký kết trong vòng 18 tháng, song Bàng lại bị công an bắt giữ khi chưa hết hạn hợp đồng.
Bác lại ý kiến của bị cáo, HĐXX làm rõ, thực chất các hợp đồng này là phương thức lừa đảo của bị cáo để nhận tiền bán nhà chung cư, bởi hợp đồng vay vốn luôn kèm theo “Đơn đăng ký mua căn hộ”. “Nếu không có lá đơn này, chắc chắn sẽ không giao hàng tỷ đồng cho một Cty không quen biết” - chủ tọa, thẩm phán Tạ Quốc Cường nói. Cũng theo HĐXX, dù một số dự án của Cty Sàn bất động sản VN đã các cơ quan có thẩm quyền thụ lý hồ sơ, song dự án chưa được xét duyệt. Do vậy, Cty không có quyền huy động vốn và quảng bá dự án.
Anh Chu Nghĩa, một trong 271 bị hại trong vụ án, cũng khẳng định: “Mục đích chúng tôi ký hợp đồng cho vay vốn với Cty Sàn bất động sản VN chính là để mua nhà ở. Anh Bàng và bên môi giới liên tục gọi điện thúc giục chúng tôi chuyển tiền để chuẩn bị bàn giao nhà, vì dự án khắp hoàn thiện…”. Cũng theo anh Nghĩa, khi đến văn phòng Cty, anh thấy nơi đây trưng bày rất nhiều sơ đồ, bản vẽ dự án, thậm chí có cả ảnh Bàng chụp chung với một số vị lãnh đạo, nên anh và nhiều người đều tin dự án có thật.
Một tình tiết “lạ” trong sáng qua, khi bắt đầu phần xét hỏi, như để nhắc nhở thân chủ thận trọng trong lời khai, luật sư bào chữa cho Lê Hồng Bàng nói: Bị cáo nên nhớ đã bị cơ quan tố tụng truy tố ở khoản 4 của điều luật có khung hình phạt đến… tử hình. Vị chủ tọa phiên tòa bất đắc dĩ phải cắt ngang: “HĐXX lưu ý luật sư, tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt cao nhất chỉ đến tù chung thân, không có mức tử hình”.
(Theo Tiền Phong)