Lợi dụng công nghệ in ấn hiện đại, việc làm sổ đỏ giả đang ngày càng tinh vi, bằng mắt thường khó có thể nhận biết. Một trong những cách phân biệt sổ đỏ thật, giả mà người mua hay truyền tai nhau đó là kiểm tra mã vạch ở cuối trang. Vậy cách làm này có thực sự hiệu quả?
Gia đình ông Lợi (Q5, TP.HCM) mới mua lại một ngôi nhà cũ, nhưng khi kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ hồng) mà người bán cung cấp thì phát hiện không có mã vạch ở cuối trang. Ông Lợi thắc mắc sổ hồng này có phải giấy tờ giả hay không, và ông cần làm gì để đảm bảo rằng quyền sở hữu mảnh đất của mình không bị ảnh hưởng?
Mã vạch tại trang thứ 4 của sổ hồng bắt đầu được quy định kể từ khi Thông tư 17/2009/TT-BTNMT về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có hiệu lực (10/12/2009). Mã vạch này được dùng để quản lý và tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận cũng như hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Nội dung mã vạch là một dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST, trong đó:
- MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quy định tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam. Trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất
- MN là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận
- ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
|
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có bắt buộc phải có mã vạch ở trang cuối hay không?
Ảnh minh họa: Internet |
Như vậy, ông Lợi cần hỏi kỹ bên bán xem thời điểm người đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng này là khi nào. Nếu được cấp sau ngày 10/12/2009 mà không có mã vạch ở trang thứ 4 thì nghi vấn của ông Lợi về việc sổ giả là hoàn toàn có căn cứ. Khi đó, ông Lợi nên tạm dừng giao dịch để kiểm tra thật kỹ thông tin, tránh vội vàng "xuống tiền" rồi tiền mất tật mang.
Trong trường hợp người bán chắc chắn rằng đã tới văn phòng một cửa của quận/huyện, phòng đăng ký đất đai của cơ quan Nhà nước để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì khi phát hiện thiếu sót như vậy, người đó có thể làm đơn kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời. Hồ sơ này gồm có:
- Đơn kiến nghị
- Chứng minh thư nhân dân của người sử dụng đất (bản sao công chứng)
- Sổ hộ khẩu của người sử dụng đất (bản sao công chứng)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ngừoi chủ sử dụng đất có sự sai sót (bản sao công chứng)
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và giải quyết, người mua là ông Lợi nên dựa trên kết quả này để xem xét việc có nên mua bất động sản đó hay không.
Linh Phương (TH)
>> Làm thế nào để tránh sập bẫy đánh tráo sổ đỏ?
>> Phải làm gì khi lỡ đánh mất sổ đỏ?
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/05/25/gcn-quyen-su-dung-dat-khong-co-ma-vach-o-trang-cuoi-la-that-hay-gia
Theo Tạp chí Thanh niên