Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 80/2017/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ), tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất; việc quản lý, sử dụng tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất.
|
Hướng dẫn xác định giá trị quyền sử dụng đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất. Ảnh minh họa |
Thông tư quy định rất rõ về việc xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất đã được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật mà không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để hoàn trả lại cho chủ sở hữu tài sản khi Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (hướng dẫn Khoản 1 Điều 18a Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, được bổ sung tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP).
Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét từng trường hợp cụ thể để đưa ra quyết định việc trả lại giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất đối với từng trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các điểm c và g Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai.
Việc xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất trong quy định nêu trên được thực hiện tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất.
Giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất là tổng giá trị còn lại của từng tài sản gắn liền với đất bị thu hồi. Giá trị còn lại của từng tài sản gắn liền với đất sẽ được xác định như sau:
Giá trị còn lại của cây trồng, vật nuôi được xác định bằng mức bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi theo quy định tại Điều 90 Luật Đất đai.
Giá trị còn lại của nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng khác gắn liền với đất (sau đây gọi là công trình xây dựng gắn liền với đất) được xác định theo công thức sau:
Giá trị còn lại của công trình xây dựng gắn liền với đất = Tỷ lệ % chất lượng còn lại của công trình xây dựng gắn liền với đất X Giá xây dựng mới của công trình xây dựng gắn liền với đất
Cơ quan tài chính (của cấp có thẩm quyền thu hồi đất) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng để xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất, trình UBND cùng cấp phê duyệt. Trường hợp cần thiết, cơ quan tài chính sẽ thuê tổ chức thẩm định giá xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất quy định nêu trên; trên cơ sở đó, cơ quan tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất do tổ chức thẩm định giá xác định, trình UBND cùng cấp phê duyệt.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017.