Việc xây dựng nhà không phép, sai phép sẽ bị xử phạt và buộc phải phá dỡ phần công trình vi phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người dân vẫn có thể hợp thức thức hóa phần diện tích xây dựng không phép, trái phép đó.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi xây dựng nhà ở trên đất, người sử dụng đất phải có giấy phép xây dựng. Có nghĩa là, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục xin phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền, ngoại trừ một số trường hợp không phải xin phép.
Trên thực tế, việc xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Tùy vào từng loại giấy phép xây dựng, mức xử phạt sẽ khác nhau. Ngoài bị phạt tiền, chủ đầu tư còn phải tháo dỡ công trình vi phạm.
Vậy làm cách nào để có thể hợp thức hóa nhà xây không phép, sai phép?
1. Xây dựng không phép, sai phép là gì?
Xây dựng sai phép, trái phép là hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình đúng với giấy phép xây dựng đã được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, xây dựng không phép là hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép.
Về bản chất, việc hợp thức hóa nhà xây không phép, sai phép là hành vi điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc xin cấp mới giấy phép xây dựng.
|
Hành vi tổ chức thi công xây dựng không phép, sai phép sẽ bị xử phạt và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh minh họa |
2. Cách hợp thức hóa nhà xây không phép, sai phép
Khoản 12, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định, đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (cải tạo, sửa chữa; xây dựng mới) và hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, xử lý như sau:
-
Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm dừng thi công xây dựng công trình.
-
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng.
-
Hết thời hạn quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì người có thẩm quyền xử phạt ra thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Thông báo này sẽ được gửi tới tổ chức, cá nhân vi phạm và UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm bằng hình thức gửi bảo đảm, niêm yết công khai tại công trình vi phạm. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không nhận thông báo hoặc gỡ bỏ thông báo được niêm yết tại công trình thì UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết công khai thông báo tại trụ sở của UBND cấp xã.
Trong vòng tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện), tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện tháo dỡ phần công trình, công trình xây dựng vi phạm.
Trong thời hạn tối đa 5 ngày tính từ ngày tổ chức, cá nhân vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng được điều chỉnh hoặc được cấp mới, người có thẩm quyền xử phát sẽ tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng được điều chỉnh hoặc được cấp.
Nếu biên bản kiểm tra này xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được điều chỉnh, được cấp thì tổ chức, cá nhân vi phạm mới được tiếp tục thi công xây dựng công trình.
Nếu biên bản kiểm tra xác nhận hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được điều chỉnh, được cấp thì trong vòng tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, tổ chức, cá nhân vi phạm buộc phải tháo dỡ phần công trình, công trình không phù hợp với giấy phép đó.
|
Không phải trường hợp nhà xây không phép, sai phép nào cũng được cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Ảnh minh họa |
Như vậy, để hợp thức hóa nhà xây không phép, sai phép, người dân cần làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Đây là phương án để công trình hoặc phần công trình xây không phép, sai phép không bị tháo dỡ.
Thế nhưng, không phải trường hợp nhà xây không phép, sai phép nào cũng được cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng bởi chỉ được cấp hoặc điều chỉnh nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành.
3. Các trường hợp không được điều chỉnh hoặc cấp mới giấy phép xây dựng
Điểm d, Khoản 11, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP nêu rõ, hành vi tổ chức thi công xây dựng không phép, sai phép thuộc một trong 4 trường hợp dưới đây sẽ không được cấp giấy phép hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
-
Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép mà hành vi vi phạm đã kết thúc.
-
Xây dựng công trình sai cốt xây dựng.
-
Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng.
-
Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
An Thanh
>> 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo luật mới
>> Những loại công trình nào được miễn giấy phép xây dựng?
>> Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở năm 2020
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2020/12/29/nha-xay-khong-phep-sai-phep-co-duoc-hop-thuc-hoa