Khi bạn xây dựng nhà ở tư nhân, bạn cần phải quan tâm đến những vấn đề liên quan như hợp đồng xây nhà, thuế xây dựng nhà ở tư nhân, các loại phí liên quan... để có thể đảm bảo quyền lợi của bản thân cũng như có thể chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
Trong bài viết này, Dothi.net sẽ cùng bạn tìm hiểu những vấn đề thường gặp nhất trong quá trình xây dựng nhà ở tư nhân và cách giải quyết đối với từng trường hợp.
Cách tính thuế xây dựng nhà ở tư nhân
Để có thể tính được thuế xây dựng nhà ở, đầu tiên bạn cần nắm được một số quy định hiện hành của nước ta hiện nay:
Cơ sở căn cứ theo Công văn 3700/TCT/DNK ngày 11/11/2004 của Tổng cục thuế đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân:
“Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản thi hành Luật thì: Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ".
Theo quy định nêu trên thì các tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng là đối tượng phải đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT và thuế TNDN với cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký kinh doanh hoặc nơi thực hiện xây dựng công trình nhưng hiện nay nhiều nhà thầu xây dựng khi nhận thầu xây dựng (nhất là nhà ở của người dân) không thực hiện kê khai nộp thuế theo đúng luật.
|
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng phải đăng ký, kê khai nộp thuế GTGT và thuế TNDN với cơ quan thuế địa phương. |
Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC ban hành ngày 15/6/2015 thì số thuế phải nộp được xác định như sau:
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó, luật đã quy định rõ:
"a.1) Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
a.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế".
Tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN theo hướng dẫn tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC. Cụ thể: Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu có tỷ lệ thuế GTGT là 5%; tỷ lệ thuế TNCN là 2%.
Như vậy, khi xây dựng nhà ở, bạn phải chấp hành đóng thuế theo quy định nộp thuế xây dựng nhà ở tư nhân hiện hành và đóng cho Chi cục Thuế.
|
Phải đóng thuế theo quy định nộp thuế xây dựng nhà ở tư nhân hiện hành khi xây dựng nhà ở. |
Lưu ý hợp đồng xây dựng nhà ở tư nhân
Sau khi bạn nắm rõ được cách tính thuế xây dựng nhà ở tư nhân, bạn cần phải biết một số lưu ý quan trọng khi kí hợp đồng xây dựng nhà ở để có thể bảo đảm được quyền lợi của bản thân:
- Đầu tiên, bạn phải hiểu rõ về những vấn đề cơ bản trong hợp đồng, bao gồm giá trị của hợp đồng, tiến độ thi công, đơn giá. Bạn cần phải trả lời được những câu hỏi dưới đây: Giá thi công hoàn thiện (giá trị hợp đồng) là bao nhiêu? Tiến độ thi công từ ngày nào? Ngày hoàn tất là ngày nào? Nếu như chậm tiến độ thi công thì phạt bao nhiêu phần trăm giá trị hợp đồng?
- Nắm rõ được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia. Hai bên cần phải gặp mặt và trao đổi trực tiếp với nhau để có thể thống nhất được công việc mỗi bên để tránh trường hợp tranh chấp hoặc mâu thuẫn trong việc xây dựng nhà ở sau này.
- Quá trình thanh toán: Tiến độ thanh toán như thế nào? Dựa vào thời gian hay tiến độ thi công công việc? Khi xây thô và đổ mái thì thanh toán bao nhiêu? Sau khi hoàn thành công trình thì thanh toán bao nhiêu? Có trừ các khoản chi phí khác như tạm ứng, tiền bảo hành công trình không?
- Cam kết: Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất, hai bên cần phải chú ý để có thể giải quyết vướng mắc xảy ra, từ đó bảo đảm được chất lượng khi xây nhà ở tư nhân. Cam kết sẽ bao gồm các nội dung: Nếu bên B không bảo đảm được năng lực tổ chức, tiến độ thi công cũng như chất lượng sản phẩm thì bên A có quyền chấm dứt hợp đồng với bên B hay không? Nếu như trong trường hợp bị tháo dỡ vì không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chi phí tháo dỡ và đền bù thiệt hại sẽ do bên nào chịu trách nhiệm?
Qua những thông tin trên đây, Dothi.net hy vọng bạn đã nắm rõ được những thông tin cần thiết khi có nhu cầu xây dựng nhà ở tư nhân để bảo đảm quyền lợi cũng như chất lượng tổ ấm tương lai của mình một cách trọn vẹn nhất.
Bạn có thể xem thêm bài viết liên quan:
>> Có phải nộp thuế khi xây dựng nhà ở tư nhân?